Điểm tuyển sinh không phải yếu tố quyết định năng lực nghề nghiệp giáo viên

"Điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào là yếu tố quan trọng nhưng không phải là mang tính chất quyết định đến kết quả đào tạo cũng như năng lực nghề nghiệp khi sinh viên ra trường" - Ông Nguyễn Minh Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ - khẳng định như vậy từ thực tế sử dụng giáo viên tại địa phương.

- Có ý kiến căn cứ vào điểm một số trường Sư phạm khảng định chất lượng ngành sư phạm đang xuống dốc. Ông nghĩ sao về việc này?

Điểm tuyển sinh đầu vào một số trường sư phạm thấp mà khẳng định chất lượng ngành sư phạm đang xuống dốc là không hoàn toàn chính xác, vì:

Có thực tế là một số trường sư phạm (chủ yếu là trường cao đẳng) năm nay điểm tuyển sinh đầu vào thấp, song bên cạnh đó có nhiều trường sư phạm có điểm chuẩn cao ở top đầu của cả nước.

Như với trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay, ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh có điểm chuẩn cao nhất là 27,75 điểm. Mức điểm chuẩn thấp nhất của trường năm 2017 là 17 điểm đối với ngành Giáo dục Công dân và Giáo dục Quốc phòng - An ninh.

Điểm tuyển sinh không phải yếu tố quyết định năng lực nghề nghiệp giáo viên - 1

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh năm nay điểm chuẩn cao nhất là ngành sư phạm Toán với 26,25 điểm và ngành thấp nhất là sư phạm tiếng Nga với 17,75 điểm.

Một lý do nữa là điểm chuẩn tuyển sinh đầu vào là yếu tố quan trọng nhưng không phải là yếu tố mang tính chất quyết định đến kết quả đào tạo cũng như năng lực nghề nghiệp khi sinh viên ra trường.

Thực tế giảng dạy tại các trường cho thấy, nhiều sinh viên có kết quả học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông không cao song lại có thành tích tốt khi học tại các trường đại học.

Đặc biệt, nghề thầy giáo còn phụ thuộc rất nhiều vào khâu tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm với công việc và đặc biệt là yêu nghề, mến trẻ sẽ giúp ích rất nhiều vào kết quả giảng dạy của mỗi giáo viên.

- Ông nhận định như thế nào về chất lượng đầu ra của trường sư phạm hiện nay từ thực tế sử dụng giáo viên trên địa bàn?

Hiện nay, cơ bản đội ngũ giáo viên tỉnh Phú Thọ đều có trình độ đạt chuẩn, có năng lực trong giảng dạy phù hợp ngành học, bậc học; nhiều giáo viên phát huy tốt trình độ và năng lực đã được đào tạo trong các trường sư phạm.

Hằng năm, Sở GD&ĐT Phú Thọ thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên. Nhiều giáo viên trực tiếp giảng dạy các lớp bồi dưỡng này là các giáo viên trẻ, kiến thức cập nhật, sử dụng tốt các phương tiện dạy học hiện đại…

Vì vậy, có thể khẳng định chất lượng đầu ra của sinh viên trường Sư phạm hiện nay cơ bản đáp ứng được với yêu cầu giảng dạy thực tế.


Ông Nguyễn Minh Tường - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở GD&ĐT trao thưởng tại CLB Tiếng Anh dành cho HS THPT tỉnh Phú Thọ năm học 2016-2017.

Ông Nguyễn Minh Tường - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở GD&ĐT trao thưởng tại CLB Tiếng Anh dành cho HS THPT tỉnh Phú Thọ năm học 2016-2017.

- Với một người học có học lực trung bình, trung bình khá, sau quá trình đào tạo liệu có trở thành một giáo viên đáp ứng yêu cầu, thậm chí giáo viên giỏi?

Như tôi đã nói ở trên, điểm đầu vào là yếu tố quan trọng nhưng không phải là quyết định, mà còn là quá trình đào tạo của trường sư phạm và đặc biệt là ý thức học tập, nghiên cứu của sinh viên.

Trong thực tế cũng đã có những sinh viên điểm tuyển sinh đầu vào không cao, nhưng sau 4 năm được đào tạo tại trường sư phạm, với sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, có đam mê chuyên môn, có ý thức nghề nghiệp lại trở thành giáo viên cốt cán, giáo viên giỏi được đồng nghiệp tôn vinh.

- Vậy theo ông, để có được một người giáo viên giỏi cần có những yếu tố gì hay chỉ cần học lực giỏi?

Một giáo viên giỏi thì học lực giỏi là yếu tố ban đầu, rất quan trọng; song phấn đấu để trở thành một giáo viên giỏi cần có một quá trình đầu tư, học hỏi kinh nghiệm rất nhiều từ đồng nghiệp, từ học sinh và tích lũy kinh nghiệm bản thân.

Như vậy, bên cạnh yếu tố học lực giỏi cần có sự đam mê, lòng yêu nghề, yêu trẻ và cập nhật kiến thức không ngừng mới có thể là người thầy giỏi.

- Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của các trường sư phạm với học sinh đã giảm đi so với trước. Theo ông nguyên nhân là vì sao? Có cách nào để thu hút được sinh viên giỏi vào các trường sư phạm.

Nghề giáo viên vốn được coi là một nghề cao quí, được xã hội tôn vinh. Song hiện nay, nghề thầy cũng phải đối diện với rất nhiều áp lực từ cơ chế thị trường, từ xã hội, từ học sinh và phụ huynh học sinh và đặc biệt là chế độ đãi ngộ chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với chủ trương đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Vấn đề đầu tư cho con em học đại học, cao đẳng và cơ hội có việc làm sau khi ra trường là vấn đề quan trọng để mỗi gia đình quan tâm cho định hướng nghề nghiệp cho con, em mình.

Giải pháp để thu hút học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm là:

Thứ nhất: Ngành sư phạm chính là một trong những ngành cốt lõi của sự phát triển xã hội, ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước, ý thức của cả thế hệ tương lai.

Do đó, để thu hút được học sinh giỏi vào học ở các trường sư phạm thì nhà nước cần có chính sách ưu đãi từ công tác đào tạo tới sử dụng, chọn lọc và có chế độ đãi ngộ đủ mạnh thì sẽ nâng cao chất lượng tuyển sinh vào các trường sư phạm một cách hiệu quả nhất.

Thứ 2: Đối với các trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành sư phạm do địa phương quản lý, cần rà soát kỹ nhu cầu sử dụng gắn với việc giao chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm để tránh việc đào tạo sinh viên ra trường mà không có cơ hội việc làm; đồng thời cũng phải có chính sách ưu tiên cho việc tuyển dụng con em các đồng bào dân tộc ít người.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Giáo dục Thời đại