Dịch Covid-19: Hơn nghìn lao động có nguy cơ thiếu, nhỡ việc làm
Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc làm, đời sống công nhân viên chức lao động tại Hải Phòng.
Trong đó, hàng nghìn người lao động sẽ phải nghỉ chờ việc, nghỉ không lương, doanh nghiệp lao đao, đứng trước nguy cơ giải thể…
Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp tác động không nhỏ đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như việc làm, đời sống công nhân viên chức lao động tại Hải Phòng.
Trong đó, hàng nghìn người lao động sẽ phải nghỉ chờ việc, nghỉ không lương, doanh nghiệp lao đao, đứng trước nguy cơ giải thể…
Giáo viên nghỉ không lương, công nhân thiếu, nhỡ việc
Theo đánh giá của LĐLĐ TP.Hải Phòng, gần 2 tháng sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (thiếu nguyên liệu, đơn hàng, sản phẩm không tiêu thụ được, thiếu vốn...). Tình trạng này kéo theo đời sống của nhiều công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) bị ảnh hưởng.
Cụ thể như tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hải Phòng, mặc dù từ sau Tết Nguyên đán, các DN chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ để hạn chế tác động song vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng.
Bà Phạm Thị Hằng - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng - cho biết, thống kê đến ngày 10.3, có 15 đơn vị doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn có tình trạng nhỡ, giãn việc làm, 1.070 lao động đứng trước nguy cơ nghỉ chờ việc.
Trước tình trạng trên, Công đoàn Khu kinh tế hướng dẫn công đoàn cơ sở (CĐCS) đề nghị DN thực hiện theo Điều 98 Luật Lao động để bảo đảm tiền lương trong thời gian nghỉ chờ việc không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, cũng theo bà Hằng, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, DN không tìm được nguồn nguyên liệu, sản xuất kinh doanh bị trì trệ thì số lượng lao động phải nghỉ nhỡ việc có thể sẽ tăng hơn.
Tình trạng DN gặp khó khăn, người lao động (NLĐ) thiếu nhỡ việc làm cũng xảy ra tại huyện An Lão. Theo Chủ tịch LĐLĐ huyện An Lão Phạm Thị Nga, một số DN có đông lao động đang gặp khó khăn do thiếu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, dẫn đến thiếu, nhỡ việc làm.
Ngay trong ngày 10.3, một DN thông tin tới LĐLĐ huyện về việc giải thể do khó khăn kéo dài. Một số DN đề xuất giảm giờ làm (từ 8 tiếng/ngày xuống 7 tiếng/ngày) hoặc cho NLĐ tạm nghỉ việc trong thời gian chờ đơn hàng, nguyên vật liệu do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Thông tin tại cuộc họp thông tin, định hướng giải pháp phòng chống dịch Covid-19 do LĐLĐ TP.Hải Phòng tổ chức chiều 10.3, đại diện CĐ Trường Đại học Dân lập Hải Phòng (Trường đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng) cho hay, nhà trường hiện đào tạo đa cấp học (từ mầm non đến đại học).
Do ảnh hưởng dịch bệnh, gần 2 tháng nay, nhà trường dừng hoạt động giáo dục - đào tạo theo chỉ đạo của thành phố nên gặp nhiều khó khăn.
“Đây là “bài toán không có lời giải” nên chúng tôi buộc phải để cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nghỉ việc không lương vì không có nguồn thu từ hoạt động dạy học để trả lương cho NLĐ” - đại diện CĐ trường nói.
Khó khăn trong hoạt động công đoàn
Không chỉ việc làm, tiền lương NLĐ bị ảnh hưởng, hoạt động CĐ các cấp cũng chững lại do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, kết quả thu kinh phí, đoàn phí CĐ của nhiều đơn vị không đạt theo kế hoạch đề ra do DN gặp khó khăn, chưa thể thực hiện nghĩa vụ đóng kinh phí CĐ.
“Việc tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS cũng gặp khó do DN lo ngại hoạt động này có thể lây lan dịch bệnh” - Chủ tịch LĐLĐ huyện An Lão Phạm Thị Nga cho biết.
Còn theo ông Hoàng Đình Long - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng, trong thời điểm dịch bệnh, nhiều đơn vị, DN cũng chưa thể tổ chức đối thoại định kỳ, hội nghị NLĐ để tập trung phòng dịch, hạn chế tiếp xúc đông người, bảo đảm an toàn sức khỏe cho NLĐ. Bởi vậy, kết quả thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở ít nhiều giảm so với cùng kỳ.
Trước những khó khăn đặt ra trong bảo đảm việc làm, đời sống NLĐ cũng như hoạt động CĐ, ông Tống Văn Băng - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng - đề nghị, các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Tổng LĐLĐVN, UBND TP.Hải Phòng.
Trước mắt, đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, kịp thời, lựa chọn thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tới NLĐ. Cùng với đó, rà soát, thống kê tình hình việc làm, tiền lương, chế độ chính sách của NLĐ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ để kịp thời hỗ trợ.
Các cấp CĐ tiếp tục phối hợp chính quyền, chuyên môn đồng cấp triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh: Trang bị khẩu trang, nước rửa tay, thực hiện tiêu độc, khử trùng nhà xưởng, vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, bố trí ca làm việc hợp lý, hỗ trợ công nhân chi phí trông con khi các con phải nghỉ học… để ứng phó tình hình dịch có thể kéo dài, hạn chế tác động tới tình hình sản xuất, kinh doanh của DN.
Theo Mai Dung - Mai Chi/Lao động