1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Dịch bệnh, mất việc làm, nhiều lao động phổ thông Mỹ phải xin ăn

Việc làm không còn nhiều, vậy nên dù không muốn thì nhiều lao động phổ thông ở Mỹ đang rơi vào cảnh lần đầu tiên phải đi xin ăn.

Dịch bệnh, mất việc làm, nhiều lao động phổ thông Mỹ phải xin ăn

Không ai sẵn sàng cho một đại dịch kéo dài. Nhiều lao động phổ thông ở Mỹ đang chật vật sống qua những ngày tháng COVID-19 khi cả nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Từ tờ mờ sáng, tại Trung tâm Cộng đồng West Houston, hàng xe đã xếp dài ở ngoài. Chị Priscilla Toro - Người thất nghiệp cho biết: "Tôi chờ ở đây từ 4 giờ sáng rồi".

Không rõ có bao nhiêu người, nhưng hàng xe chờ dài gần 2 cây số. Tất cả họ đều là người thất nghiệp, hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống, chờ xin đồ cứu tế ở đây.

Herman Henton, một thợ xây thất nghiệp chia sẻ, anh thà chịu tắc đường cả tiếng, đi đến công trường, lao động kiếm tiền để mua đồ ăn còn hơn là chờ xin đồ ăn trợ cấp. Nhưng anh không còn lựa chọn nào khác, vì anh không còn việc kể từ mùa Xuân. "Chúng tôi tiêu hết tiền tiết kiệm rồi, giờ tiền điện hàng tháng còn chưa trả được".

Dịch bệnh, mất việc làm, nhiều lao động phổ thông Mỹ phải xin ăn - 1

COVID-19 đã khiến thị trường lao động Mỹ tan nát chỉ trong 2 tháng, hàng chục triệu người thất nghiệp - Ảnh: Global Business Outlook

Rất nhiều người dù không muốn, nhưng đây là lần đầu họ phải đi xin ăn. Mỗi trung tâm cộng đồng kiểu này sẽ phát cho 1 người đủ điều kiện 1 phiếu thực phẩm trị giá khoảng 25 USD mỗi tháng, quy đổi ra ra củ, bánh mỳ, sữa tùy thích. Riêng ở Trung tâm Cộng đồng West Houston, phối hợp cùng Ngân hàng Thực phẩm Houston, sau dịch, mỗi tháng phát khoảng 500 tấn thực phẩm.

Theo ông Brian Greene - Ngân hàng Thực phẩm Houston: "Hàng dài người xếp hàng, gấp đôi gấp 3 lần bình thường. Theo khảo sát, gần nửa hộ gia đình Mỹ có ít hơn 400 USD tiền tiết kiệm sống qua dịch. Vậy nên số người cần hỗ trợ rất nhiều".

May mắn là hiện các ngân hàng thực phẩm đáp ứng được nhu cầu cần cứu trợ của người dân vì đang có nhiều chương trình giải cứu nông sản, tức là mua lại nông sản giá rẻ, đáng lẽ được bán ra các nhà hàng nhưng lại bị đóng cửa vì dịch.

Trung tâm Cộng đồng West Houston được thành lập năm 1982 sau khủng hoảng dầu khí làm mất hàng trăm nghìn việc làm, sụp đổ thị trường bất động sản ở Mỹ. Từ đó, đại dịch COVID-19 mới là sự kiện khiến đảo lộn mọi thứ như vậy.