Địa phương tồn đọng dưới 50 hồ sơ người có công sẽ giải quyết xong trong năm 2017

(Dân trí) - “Tính từ ngày 17/2, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tạm chốt danh sách những hồ sơ người có công còn tồn đọng để tập trung giải quyết. Những địa phương có dưới 50 hồ sơ thì giải quyết dứt điểm trong năm 2017, những địa phương có trên 50 hồ sơ thì giải quyết về căn bản”.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ( hàng đầu, từ phải sang) tới thăm và tặng quà gia đình thương binh tại Hải Phòng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ( hàng đầu, từ phải sang) tới thăm và tặng quà gia đình thương binh tại Hải Phòng.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ và công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn động tại địa phương. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 17/2 tại Hà Nội.

Hơn 4.480 hồ sơ tồn đọng

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đất nước đã trải qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc hào hùng, oanh liệt nhưng cũng không ít đau thương.

Thống kê của ngành LĐ-TB&XH, cả nước vẫn còn hơn 4.480 hồ sơ tồn đọng vì nhiều lý do khác nhau, gồm 2.635 hồ sơ đề nghị công nhận thương binh và 1.845 hồ sơ liệt sĩ. Số liệu trên chưa tính số liệu của tỉnh Hà Tĩnh và Tây Ninh.

Theo Cục Người Có Công (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2016, qua triển khai thí điểm tại 9 tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo cấp tỉnh và Tổ công tác Trung ương giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng đã thống nhất đề nghị xác nhận 86 trường hợp người có công với cách mạng, gồm: 75 liệt sĩ (trong đó có 57 liệt sĩ thời kỳ chống Pháp, 18 liệt sĩ thời kỳ chống Mỹ) và 11 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh thời kỳ chống Mỹ.

Trăn trở trước những thiệt thòi của nhiều gia đình có người thân đã mất hoặc bị thương tật nhưng chưa được công nhận là liệt sĩ hay thương binh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ: “Chúng ta cần vào cuộc quyết liệt để giải quyết căn bản vấn đề hồ sơ tồn đọng hàng chục năm nay. Không để nợ người dân câu trả lời, không để người dân chờ đợi bao năm qua chỉ vì những vướng mắc về cơ chế xử lý hồ sơ”.

Đặt ra mục tiêu trên nhưng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị các cơ quan chức năng xử lý thận trọng, có quy trình. Những địa phương có nhiều hồ sơ tồn đọng cần xử lý thí điểm.

“Các địa phương có trên 50 hồ sơ tồn đọng trở lên phải chọn làm điểm, dưới sự giám sát chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các bậc lão thành cách mạng và nhân dân. Đặc biệt, giám đốc Sở LĐ-TB&XH phải chịu trách nhiệm với Bộ trưởng về vấn đề này”.

Địa phương tồn đọng dưới 50 hồ sơ người có công sẽ giải quyết xong trong năm 2017 - 2

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Được biết, Bộ LĐ-TB&XH sau khi áp dụng thí điểm tại một số tỉnh, thành sẽ áp dụng xem xét trên diện rộng. Đợt 1 từ tháng 3/2017. “Những địa phương có dưới 50 hồ sơ người có công còn tồn động sẽ tập trung giải quyết triệt để, những địa phương có trên 50 hồ sơ thì giải quyết về cơ bản. Hiện 15 tỉnh có trên 50 hồ sơ, 35 tỉnh có dưới 50 hồ sơ tồn đọng…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Xử lý dứt điểm không có nghĩa là chấp nhận 100 %

Theo ông Huỳnh Văn Tí, Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Tổ trưởng Tổ công tác xác nhận hồ sơ người có công tồn đọng, hồ sơ tồn đọng rất phức tạp, chủ yếu là không còn giấy tờ gốc hoặc thiếu đối tượng xác nhận.

“Tuy nhiên không phải như vậy mà chúng ta bỏ qua. Thậm chí có những hồ sơ chỉ gồm 1 tờ đơn của gia đình, chúng ta cũng phải giải quyết. Do đó khi thực hiện phải vận dụng. Đây chính là cái khó của những người làm công tác giải quyết tồn đọng đợt này. Làm quyết liệt, khẩn trương nhưng chặt chẽ về đối tượng, nguyên tắc, tiêu chuẩn” - ông Huỳnh Văn Tí nói.

Trong đợt xem xét tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chủ yếu giải quyết hồ sơ tồn đọng về công nhận liệt sĩ, thương binh người hưởng chính sách thương binh. Còn lại những đối tượng khác sẽ xem xét theo trình tự.

Giải thích rõ khái niệm giải quyết dứt điểm, ông Huỳnh Văn Tí cho biết: “Việc hiểu giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng không có nghĩa là đưa ra bao nhiêu chấp nhận nhận bấy nhiêu. Thí dụ có 10 trường hợp cần xác minh, cơ quan chức năng sau khi xem xét có thể công nhận được 8 trường hợp thí sẽ công bố, 2 trường hợp còn lại sẽ phải trả lời chính thức là không đạt. Tránh tình trạng chờ đợi nhiều năm của gia đình người đề nghị công nhận”.

Đặc biệt chú trọng tới trách nhiệm của những người thực hiện công tác xử lý hồ sơ tồn đọng, ông Huỳnh Văn Tí cho biết: “Người làm công tác xét duyệt cần có trách nhiệm cao, phải dựa vào nhân dân và ý kiến các bậc lão thành cách mạng”.

Nhiều hoạt động lớn diễn ra trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ

Theo ông Đào Ngọc Lợi - Cục Phó Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), kế hoạch tổ chức gồm nhiều nội dung và sẽ được trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, gồm: Lễ mít tinh kỷ niệm trọng thể quy mô cấp quốc gia tại Hà Nội, tổ chức hội nghị toàn quốc biểu dương 700 người có công với cách mạng tiêu biểu; tổ chức cầu truyền hình giao lưu nghệ thuật tại 5 điểm cầu Hà Nội, Quảng Trị, Thái Nguyên, Điện Biên, TP HCM; tổ chức lễ dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại công trình ghi công liệt sĩ trên toàn quốc…

Hoàng Mạnh