Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đề xuất giảm 5.400 tỉ đồng từ 2 quỹ bảo hiểm

(Dân trí) - Việc điều chỉnh tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp từ 1 % xuống 0,5 % sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 5.400 tỉ đồng mỗi năm.

Đây là đề xuất của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Phiên họp chính phủ thường kỳ vừa diễn ra ngày 29/10 tại Hà Nội.

Trên cơ sở rà soát các nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng phương án giảm một phần tỉ lệ đóng có tính khả thi.

Cụ thể, quỹ bảo hiểm thất nghiệp có thể giảm tỉ lệ đóng từ 1 % xuống 0,5 %, tương ứng với số tiền giảm khoảng 2.400 tỉ đồng. Với tỉ lệ giảm tương tự, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng có thể giảm khoảng 3.000 tỉ đồng.

Tổng số tiền giảm do điều chỉnh tỉ lệ đóng ở 2 quỹ trên là khoảng 5.400 tỉ đồng.

Nếu được áp dụng, số tiền được giảm sẽ là khoản hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp trong điều kiện áp lực về nguồn chi lương nhân công, sản xuất và cạnh tranh môi trường trong và ngoài nước ngày càng gia tăng.

Được biết trong 8 năm qua, quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chỉ có mức chi cao nhất là 11% quỹ. Riêng năm 2015, mức chi có quỹ này chỉ khoảng 8%.

Bên cạnh đó, quỹ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay cũng có nguồn kết dư lớn. Tổng số kết dư quỹ BHTN gần 49.000 tỉ đồng, tăng hơn 7.400 tỉ đồng, tương ứng tăng 17,9% so với năm 2014.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đề xuất trên nếu được Chính phủ chấp nhận thì cần phải thực hiện sửa đổi Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc.

Theo đó, thay vì áp dụng quy định mức đóng 1 % của doanh nghiệp vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 1/7/2016 (thời điểm Nghị định có hiệu lực) tới ngày 31/12/2017 (sau thời gian này Chính phủ sẽ áp dụng mức đóng mới) như quy định hiện hành, việc áp dụng mức 0,5 % sẽ được triển khai ngay.

Đề xuất giảm tỉ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cần phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến.

Hoàng Mạnh

TIN VẮN:

Tổ chức Phiên GDVL cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Phiên Giao dịch việc làm dành cho lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp vừa được tổ chức ngày 6/10 tại Trường TC Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long (Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) thu hút sự quan tâm hơn 500 người lao động.

Tại Phiên GDVL, hơn 30 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với trên 300 chỉ tiêu tuyển dụng miễn phí lao động, chủ yếu trên địa bàn các huyện Đông Anh (Hà Nội), Mê Linh (Vĩnh Phúc) và các khu vực lân cận. Các chỉ tiêu tuyển dụng của Phiên GDVL ngày 6/10 khá đa dạng, gồm: Công nhân kỹ thuật, quản lý sản suất, trưởng phòng, giám đốc phụ trách kinh doanh sản xuất. Không chỉ tạo nguồn việc làm giúp lao động quay trở lại thị trường lao động, Ban tổ chức còn bố trí khu vực đăng ký và làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, khu vực tư vấn học nghề và việc làm. Ông Nguyễn Toàn Phong - GĐ TT DVVL Hà Nội, đơn vị tổ chức Phiên GDVL, lý giải: “Do nhóm đối tượng tham gia chủ yếu là người đã đi làm, nhà tuyển dụng có thể lựa chọn được những ứng viên có kinh nghiệm, kỹ năng làm việc và đáp ứng những vị trí cao hơn. Hạn chế thời gian thử việc. Tất nhiên, mức lương đề xuất sẽ có thể cao hơn với mặt bằng chung”. Theo nhận định của nhiều người lao động, Phiên GDVL đã hỗ trợ nhiều thông tin bổ ích về bảo hiểm thất nghiệp, học nghề và tư vấn việc làm. Được biết, từ nay tới cuối năm 2016, TT DVVL Hà Nội sẽ tổ chức thêm 3 Phiên GDVL dành cho lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại huyện Sóc Sơn và quận Long Biên.

Đ.H

Cà Mau: Không xét khen thưởng đơn vị để nợ bảo hiểm xã hội

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo không xét khen thưởng cho tập thể, thủ trưởng đơn vị để nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trên là một trong những nội dung mà Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa chỉ đạo các Sở, Ban ngành, địa phương tăng cường thực hiện chính sách Bảo biểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo UBND tỉnh Cà Mau, vẫn còn một số hạn chế trong việc triển khai chính sách BHYT, BHXH, như: Công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách BHYT, BHXH chưa thường xuyên; số người tham gia BHXH chiếm tỷ lệ thấp trong lực lượng lao động; sự phối hợp giữa các đơn vị chưa đồng bộ; đặc biệt là tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN của một số đơn vị, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Trước tình hình trên, Chủ tịch tỉnh Cà Mau yêu cầu lãnh đạo các Sở, Ban ngành, địa phương, có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị thuộc quyền quản lý; đồng thời, thực hiện đúng chế độ chính sách BHYT, BHXH, BHTN cho người lao động. Yêu cầu các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật BHXH, Luật BHYT; thanh toán đầy đủ, kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động của đơn vị.

N.L

BHXH VN: 6 tỉnh bội chi quỹ BHYT trên 200 tỉ đồng sau 9 tháng qua

Theo BHXH VN, lũy kế 9 tháng đầu năm có 38 địa phương bội chi quỹ BHYT với số tiền gần 6.000 tỉ đồng. Có 6 tỉnh bội chi trên 200 tỉ đồng, trong đó Nghệ An, Thanh Hóa dự kiến có số bội chi cao nhất. Phương án tăng giá khám chữa bệnh BHYT đợt 3/2016 đang chờ phê duyệt”.

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, trao đổi với báo giới chiều 26/10 về tình hình sử dụng quỹ BHYT thời gian qua. Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm có 38 địa phương bội chi quỹ với số tiền gần 6.000 tỷ đồng, gồm: Hà Nội, An Giang, Bạc Liêu, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ…Ước tính có 6 tỉnh có số bội chi trên 200 tỷ gồm Cà Mau, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Nam, Thái Bình. Trong đó Nghệ An, Thanh Hóa vẫn là 2 tỉnh dự kiến có số bội chi cao nhất. Theo đại diện BHXH VN, tuy chi phí khám chữa bệnh trong tháng 8, 9 tại một số tỉnh đã được kiểm soát, nhưng so 9 tháng đầu năm 2016 với cùng kỳ năm trước thì nhiều tỉnh vẫn có tỷ lệ gia tăng số chi khám chữa bệnh tại tỉnh khá cao. Cụ thể, có 14 tỉnh có số chi khám chữa bệnh 9 tháng đầu năm 2016 tăng cao hơn 155% so với cùng kỳ năm trước, như: Bạc Liêu tăng 159%, Bắc Giang 176%, Cà Mau 257%, Bình Định 155%, Đăk Nông 156%, Hà Tĩnh 173%, Hậu Giang 160%, Kiên Giang 176%...

T.O

Quỹ khám chữa bệnh BHYT: Số chi vẫn nằm trong dự toán được giao

Theo BHXH VN, Quỹ khám chữa bệnh BHYT ước tính được sử dụng trong năm (90% số thu): 64.280 tỷ đồng, trong đó số chi khám chữa bệnh BHYT: 70.577 tỷ đồng. Cân đối quỹ KCB BHYT trong năm: - 5.130 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2016 số chi khám chữa bệnh BHYT vẫn nằm trong phạm vi dự toán được giao. Tuy nhiên, sẽ có khoảng 41 đơn vị bội chi quỹ với số tiền trên 8.000 tỷ đồng.

Đại diện BHXH VN cho biết thêm, theo dự kiến của Bộ Y tế về lộ trình tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 liên bộ Y tế - Tài chính, sẽ tiếp tục thực hiện đợt 3 trong tháng 11/2016 và đợt 4 trong tháng 12/2016. Nhưng đến thời điểm hiện tại, các bên vẫn chờ chỉ đạo cụ thể của Chính phủ nên khả năng tăng giá khám chữa bệnh BHYT đợt 3/2016 còn để ngỏ. Được biết, trong tháng 8 vừa qua, việc thực hiện tăng giá dịch vụ y tế đợt 2/2016 đã thực hiện tại 16 tỉnh có tỉ lệ dân số tham gia BHYT trên 85%. Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH VN: “Việc tăng giá dịch vụ đã nằm trong dự trù tổng kinh phí hơn 16.000 tỉ đồng của BHXH và không tác động lớn tới đối tượng có thẻ BHYT. Giá dịch vụ y tế tăng đợt này đã bao gồm thêm tiền lương của nhân viên ngành y tế” .

R.Q