Địa bàn nào của Hà Nội áp dụng lương tối thiểu vùng 1 và vùng 2?

Phan Minh

(Dân trí) - Mức lương tối thiểu vùng năm 2020 được áp dụng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Người lao động làm việc trên địa bàn Hà Nội sẽ nhận mức lương tối thiểu vùng 1 hoặc 2, tuỳ theo địa bàn cụ thể.

Theo đó, Nghị định 90/2019/NĐ-CP đã quy định, người lao động làm việc ở các địa bàn sau thì sẽ nhận lương tối thiểu vùng 1 là: 4.420.000 đồng/tháng, gồm:

Các quận: Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa,  Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân.

Các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì,  Thường Tín, Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai, Mê Linh, Chương Mỹ và Thị xã Sơn Tây. 

Người lao động làm việc ở các khu vực sau của Hà Nội sẽ nhận mức lương tối thiểu vùng 2 là: 3.920.000 đồng, gồm: Các huyện: Ba Vì, Đan Phượng, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Mỹ Đức

Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng trên đây chỉ được áp dụng với người lao động làm công việc giản đơn nhất. Mức lương tối thiểu đối với người lao động làm công việc đòi hỏi trình độ đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7%.

Bên cạnh đó, Nghị định 90/2019/NĐ-CP cũng nêu rõ 8 nhóm đối tượng người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề bao gồm:

Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định của pháp luật;

Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại của pháp luật;

Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định của pháp luật;

Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của pháp luật về việc làm;

Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật Giáo dục nghề nghiệp;

Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật Giáo dục đại học;

Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;

Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.

Đối tượng áp dụng

Theo Nghị định 91/2020/NĐ-CP, quy định lương tối thiểu áp dụng với các nhóm đối tượng sau:

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.

Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức và cá nhân, hay còn gọi là doanh nghiệp.