Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên

(Dân trí) - Thức xuyên đêm, ráng sức đẩy xe hàng nặng tới 300-400 kg để có thù lao 40.000-50.000 đồng/chuyến. Công việc vất vả của những nữ cửu vạn chợ đêm Long Biên (Hà Nội) đã tồn tại hàng chục năm qua.

Kiếm 40.000 đồng từ xe hàng 3 tạ

Những người phụ nữ làm nghề cửu vạn ở chợ Long Biên đến từ nhiều miền quê nghèo khó. Họ làm việc gần như xuyên đêm ở chợ đầu mối hoa quả lớn nhất Hà Nội, để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày và lo cho gia đình ở quê.

Tâm sự của những nữ cửu vạn chợ Long Biên

Chị Hoàng Thị Vân (45 tuổi, Hạ Hòa, Phú Thọ) mới bắt đầu công việc kéo hàng được 2 tháng nay. Trước đây, chị làm nghề buôn đồng nát. Dịch Covid bùng phát, buôn bán chẳng được, chị quyết định đổi sang nghề kéo hàng thuê.

Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên - 1

Vẻ gầy guộc xanh xao của chị Vân sau 2 tháng làm nghề cửu vạn 

Chị Vân chia sẻ: “Tôi mới vào nghề, chưa quen việc, mỗi tối chỉ kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Mỗi xe hàng nặng khoảng 300 kg, tôi được trả công số tiền 40.000 đồng”.

Chồng mất sớm, người đàn bà với dáng người nhỏ bé nặng hơn 40kg, đêm đêm thức trắng kéo hàng tấn hàng để đủ tiền lo chi phí học hành cho hai đứa con nhỏ ở quê.

Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên - 2

Có nhiều người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi

Những xe hàng nặng vài tạ nhưng dường như chị Vân không hề cảm thấy mệt mỏi. Bước chân thoăn thoắt, chị lao nhanh ra xe giao cho chủ để kịp chuyến hàng tiếp theo.

Đã thành thường lệ sau hàng chục năm làm cửu vạn, bà Trần Thị Hoạt (64 tuổi quê ở Văn Lâm, Hưng Yên) cứ 8h tối lại có mặt ở chợ đêm Long Biên cùng chồng có mặt chờ xe nông sản đến.

“Mỗi ngày tôi và chồng kiếm được khoảng 500.000 đồng. Công việc tuy vất vả, nặng nhọc nhưng có của ăn của để. Tôi còn khỏe ngày nào thì còn làm nghề ngày ấy” - bà Trần Thị Hoạt nói.

Vội vàng gạt đi những giọt mồ hôi, bà Hoạt tiếp tục kéo chiến xe nặng chừng 3 tạ hàng ra phía cổng chợ. Theo bà Hoạt, con dốc ở cổng chợ là thử thách đáng sợ nhất với chị em kéo xe ở đây. Không ít lần chị em đuối sức không lên nổi, cả người và xe ngã sõng soài.

Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên - 3

Không chỉ kéo hàng, những người phụ nữ này kiêm luôn cả bốc vác

Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên - 4

Có những xe hàng nặng hàng vài tạ là chuyện bình thường

Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên - 5

Đây là chuyến hàng thứ 4 của người phụ nữ này trong đêm nay

Dáng vẻ vội vã, khuôn mặt hốc hác chạy ngược, chạy xuôi là hình ảnh chung của những người phụ nữ làm nghề kéo hàng ở chợ Long Biên.

Bất kể kiện hàng nặng, nhẹ đang mang trên mình, những nữ cửu vạn bước như chạy. Ai cũng cố gắng về đích trước để còn nhanh chóng quay lại kéo chuyến hàng tiếp theo. 

Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên - 6

Con dốc cổng chợ, nỗi ám ảnh của những người phụ nữ kéo xe hàng

Lựa chọn hiện tại

Làm nghề đã hàng chục năm, nhưng chưa bao giờ bà Trần Thị Hoạt có ý định bỏ nghề dù có khó khăn vất vả.

“Tiền nhà trọ với điện nước mỗi tháng hết 700.000 đồng, hai vợ chồng chi tiêu cả tháng hết 5 triệu đồng. Tháng nào không ốm đau gì chúng tôi cũng dư ra gần chục triệu. Tiền ấy để dành sau không còn sức làm việc nữa thì dùng để dưỡng già” - bà Hoạt tươi tỉnh nói.

Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên - 7

Bất cứ công việc gì những người phụ nữ này đều làm được

Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên - 8

Nhiều người gắn bó với nghề này đến vài chục năm

Trong những giây phút hiếm hoi ngồi nghỉ chờ hàng, chị Nguyễn Thị Lúa (44 tuổi quê ở Ân Thi, Hưng Yên) chia sẻ: “Ở quê cấy mấy sào ruộng chẳng ăn thua, trông chờ vào ruộng có mà cả nhà chết đói. Từ khi tôi lên đây làm. Tuy vất vả nhưng thu nhập khá so với lao động nông thôn”.

Được biết, mỗi tháng, chị cũng dư ra được 7 triệu đồng để lo tiền ăn học cho các con.

Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên - 9

Không ít gia đình có cả vợ và chồng đều làm nghề này

Đêm trắng của nữ cửu vạn ở chợ Long Biên - 10

Những nữ cửu vạn nghỉ ngơi sau 1 đêm dài vất vả

Chồng chị Lúa đi phụ xe tải. Chị vẫn hàng đêm miệt mài bên chiếc xe kéo ở chợ Long Biên.

Với chị Lúa và nhiều chị em khác ở chợ Long Biên, nghề cửu vạn hiện vẫn là lựa chọn phù hợp nhất để kiếm sống qua ngày. 

Chia sẻ với phóng viên, bà Đinh Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ chợ Long Biên cho biết: “Chợ Long Biên hiện có khoảng 50 lao động là nữ làm nghề cửu vạn. Lúc cao điểm con số này lên khoảng 100 người. Hầu hết trong số họ đến từ các vùng kinh tế khó khăn”.  

Cũng theo bà Đinh Thị Tuyết Nhung, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần này, chợ Long Biên đã thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ. Lực lượng bảo vệ túc trực 24/24 yêu cầu người ra vào chợ đeo khẩu trang. Chị em cửu vạn vì thế cũng yên tâm phần nào làm việc.

                                                                                       Phạm Công