Đề xuất mới về xây dựng thang, bảng lương trong doanh nghiệp

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc sửa đổi Nghị định số 49/2013/NĐ-CP nhằm giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào việc xây dựng thang, bảng lương, định mức lao động của doanh nghiệp, qua đó tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.


Nhiều quy định về thang, bảng lương được đề nghị sửa đổi. (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Nhiều quy định về thang, bảng lương được đề nghị sửa đổi. (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Những bất cập

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP khi ra đời đã góp phần khắc phục tình trạng doanh nghiệp ép tiền lương của người lao động gần sát mức lương tối thiểu, xây dựng khoảng cách chênh lệch bậc lương thấp (trước đó có trường hợp doanh nghiệp chỉ xây dựng cách bậc 5 - 10 nghìn đồng, số bậc lương kéo dài đến 60 bậc), áp dụng định mức lao động quá cao... gây thiệt hại cho người lao động,

Tuy nhiên qua thực tiễn nhiều năm triển khai, Nghị định 49/2013/NĐ-CP đã phát sinh nhiều vướng mắc. Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc quy định các nguyên tắc, nhất là nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương ít nhất 5%; mức lương đối với công việc đòi hỏi lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng; mức lương công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, trong điều kiện lao động bình thường, đã ảnh hưởng đến chính sách lương, cấu trúc thang, bảng lương của doanh nghiệp và không phù hợp với cơ chế thị trường.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, Bộ luật lao động đã quy định 3 hình thức trả lương là thời gian, sản phẩm và khoán, trên cơ sở đó Chính phủ đã quy định chi tiết tại Điều 22 Nghị định 05/2015/NĐ-CP: Trả lương theo sản phẩm được trả căn cứ vào định mức lao động; đối với công việc theo thời gian, công việc khoán thì tiền lương được trả căn cứ vào thời gian làm việc hoặc khối lượng, chất lượng công việc phải hoàn thành. Trong khi đó, Nghị định số 49/2013/NĐ-CP quy định nguyên tắc xây dựng định mức lao động được áp dụng chung, không phù hợp với các hình thức trả lương của doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Quy định này cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì nếu không xây dựng định lao động để áp dụng cho tất cả các loại lao động áp dụng hình thức trả lương khác nhau thì sẽ bị xử phạt.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương theo thâm niên (để bảo đảm khoảng cách ít nhất 5%), dẫn đến không khuyến khích trả lương theo công việc mà trả theo thâm niên, người có thâm niên nhiều thì phải trả lương cao, chi phí đóng bảo hiểm xã hội cao (cùng làm một công việc nhưng doanh nghiệp phải trả lương, chi phí bảo hiểm cho người lao động làm 15 - 20 năm cao gấp 2 - 3 lần người mới vào làm việc).

Thực trạng này dẫn đến doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động có nhiều thâm niên, tìm nhiều cách để sa thải lao động để tuyển lao động mới.

Nhiều nội dung sửa đổi

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP, nội dung khoản 2 Điều 7 được đề nghị sửa đổi với 2 phương án.

Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH ủng hộ phương án 2 vì có ưu điểm Nhà nước vẫn tạo ra sàn thấp nhất để tránh tình trạng doanh nghiệp ép tiền lương của người lao động ở mức thấp, nhưng có nhược điểm hạn chế quyền chủ động cho doanh nghiệp trong việc xây dựng, quyết định việc xây dựng thang lương, bảng lương, gây ảnh hưởng đến cấu trúc thang lương, bảng lương khi doanh nghiệp xây dựng.

Mặt khác, phương án này cũng có lộ trình và đáp ứng điều kiện thị trường lao động, năng lực của công đoàn cơ sở, sức ép việc làm hiện nay.

Cụ thể: Phương án 2 vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này:

“Số bậc của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp quyết định căn cứ vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định ”.

Với điểm b, khoản 3 Điều 7, Bộ LĐ-TB&XH cũng xây dựng ra 2 phương án. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ nghiêng về phương án 2 vì trong điều kiện thị trường lao động, năng lực của công đoàn cơ sở, sức ép việc làm hiện nay, việc xây dựng theo lộ trình từ từ là điều cần thiết.

Cụ thể, phương án 2 vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 7% xuống 5% để tính tới bãi bỏ quy định này:

“Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề phải cao hơn so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề và tương đương trở lên phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.

Về việc sửa đổi, bổ sung điểm c, (khoản 3 Điều 7), Dự thảo cũng đưa ra 2 phương án, trong đó Bộ LĐ-TB&XH ủng hộ phương án 2 do có lộ trình thực hiện, đáp ứng điều kiện thực tế của công đoàn cơ sở, sức ép việc làm và thực tế nền kinh tế thị trường hiện nay.

Cụ thể, Phương án 2: vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng, nhưng giảm mức từ 7% xuống 5%, từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này:

“Mức lương của công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 3%; công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường”.

Hoàng Mạnh