Đề xuất giờ làm việc: Bộ LĐ-TB&XH thay đổi vào giờ chót

(Dân trí) - Chưa đầy 72 giờ trước khi trình Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã điều chỉnh một số nội dung của Tờ trình sửa đổi Luật Lao động năm 2012 theo hướng tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội. Nổi bật nhất là việc thay đổi đề xuất về giờ làm việc trong cả nước.

Đề xuất giờ làm việc: Bộ LĐ-TBXH thay đổi vào giờ chót - 1

Đề xuất giờ làm việc đã được điều chỉnh có tính linh hoạt hơn.

Sau gần 20 ngày công bố Tờ trình dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được nhiều ý kiến góp ý về 6 nội dung lớn, như: Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, tăng khung giờ làm thêm, thống nhất giờ làm việc trong cả nước, bổ sung ngày nghỉ lễ, tổ chức của người lao động tại cơ sở, không nghỉ bù dịp Tết Nguyên đán.

Trong đó, giờ làm việc của các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước là một trong số các đề xuất nhận được nhiều ý kiến góp ý xây dựng của các Bộ, ngành địa phương và dư luận xã hội.

Tới sát ngày trình các đại biểu Quốc hội cho ý kiến chính thức, hôm 17/5, Bộ LĐ-TB&XH đã có điều chỉnh về đề xuất liên quan tới giờ làm việc trong cả nước được ghi tại phiên bản mới về dự thảo Tờ trình sửa đổi Luật Lao động 2012, trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 7 bắt đầu ngày 20/5, tại Hà Nội.

Tiếp thu sự góp ý của bộ, ngành, dư luận xã hội 

Trao đổi với Dân trí, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Trong gần 20 ngày qua, Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý từ các Bộ, ngành địa phương, dư luận xã hội về việc điều chỉnh giờ làm việc. Chúng tôi trân trọng các ý kiến góp ý, dù theo quan điểm đồng tình hay trái chiều. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, dự thảo Tờ trình đã có những điều chỉnh phù hợp hơn trước khi trình Quốc hội”.

Cụ thể, phương án 1 trong phiên bản mới về dự thảo Tờ trình đã được sửa lại như sau: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. 

Đối với cơ quan nhà nước cấp trung ương và các đô thị lớn là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Đối với cơ quan nhà nước ở địa phương thì thống nhất giờ làm việc mùa hè và mùa đông theo điều kiện địa lý.

Trước đó, phương án 1 trong phiên bản cũ của dự thảo Tờ trình được công bố hôm 28/4 có nêu “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để đảm bảo liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân).

Ngoài ra, phiên bản mới về dự thảo Tờ trình vẫn giữa nguyên phương án 2 như ở phiên bản cũ được công bố vào hôm 28/4: “Giữ nguyên quy định giờ làm việc như hiện hành. Thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính (Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết)”.

 Đảm bảo sự kết nối giờ làm việc khối cơ quan hành chính trung ương và địa phương

Theo Ban soạn thảo dự án sửa đổi Luật Lao động, việc đề xuất điều chỉnh giờ làm việc xuất phát từ tồn tại nhiều năm qua, như:

Không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương (các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông), trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau.

Chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương; Chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Hoàng Mạnh