Đề xuất giờ làm việc toàn quốc: Miền núi nên bắt đầu từ 7h30
(Dân trí) - Giờ làm việc với các cơ quan hành chính ở mỗi vùng đang có sự khác nhau, ngay cả từng nhóm nghề cũng chưa hẳn đã đồng nhất. Do đó, việc tìm ra một giải pháp về giờ làm việc thống nhất cần tính thêm yếu tố năng suất lao động, sức khoẻ và tâm sinh lý người lao động.
Hiện nay, Dự thảo sửa đổi Luật Lao động đang đề xuất 2 phương án về giờ làm việc đối với các cơ quan hành chính trên cả nước.
Trong đó, phương án 1 giữ nguyên giờ làm việc như hiện tại. Thời gian làm việc đối với các cơ quan trung ương do Thủ tướng Chính phủ quyết định, đối với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
Phương án thứ 2 thay đổi giờ làm việc thống nhất trên cả nước. Theo đó, các cơ quan hành chính trong cả nước sẽ bắt đầu làm việc từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút, trừ những bộ phận làm việc 24/24h.
Dự thảo trên đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức công tác tại các cơ quan hành chính Nhà nước, trong đó không ít những ý kiến trái chiều.
Miền núi: Nên bắt đầu từ 7h30?
Anh Phạm Hồng Chương, một cán bộ công chức công tác tại huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho rằng, tất cả các cơ quan hành chính Nhà nước nên cùng bắt đầu chung một giờ làm việc. Thời gian buổi sáng từ 8h -12h, chiều từ 13h-17h là phù hợp nhất. Thời gian nghỉ trưa trong khoảng 1h là vừa.
“Qua thực tế công việc ở các xã, huyện miền núi, giờ làm việc buổi sáng từ 8h là hợp lý. Vì thời gian này, tôi mới thấy người dân và doanh nghiệp đến cơ quan giao dịch. Giờ nghỉ trưa hiện nay, thường mùa hè kéo dài 2h là không cần thiết. Để thời gian nghỉ trưa dài sau đó bắt đầu công việc sẽ không hiệu quả”, anh Chương chia sẻ.
Liên quan tới việc nghỉ trưa, anh Chương cho rằng, các cơ quan công sở nên đầu tư thêm nhà ăn cơ quan để cán bộ, công chức, viên chức có thể ăn trưa tại cơ quan để thuận lợi cho người lao động.
Với ông Nguyễn Ngọc Sơn, cán bộ công tác tại huyện miền núi Lang Chánh cho biết, về việc quy định thống nhất giờ làm việc là cần thiết.
"Tuy nhiên, quy định giờ làm việc phải phù hợp với từng địa phương, nhất là khu vực miền núi. Nếu quy định nghỉ 1 giờ trong buổi trưa thì công chức không có thời gian. Vì nơi đây không có các dịch vụ ăn uống hỗ trợ như thành phố và đồng bằng. Phương án giờ vào làm việc 8h30 càng không phù hợp, vào làm việc 7h30 là phù hợp nhất", ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Nên quan tâm tới năng suất lao động
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Tôn Tẫn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa - cho rằng, các quy định của Luật lao động có tác động sâu và rộng trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực của xã hội.
Ông Ngô Tôn Tẫn, Chủ tịch Liên đoàn lao động Thanh Hóa cho rằng, bố trí thời gian làm việc phải làm sao để người lao động phát huy tối ưu nhất năng suất thì mới hiệu quả.
“Rất khó thực hiện theo phương án thống nhất giờ làm việc trên phạm vi toàn quốc. Bởi giờ làm việc đang chịu tác động của rất nhiều đối tượng thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Nên quan tâm đến việc bố trí thời gian làm việc sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất, trong thời gian thích hợp cho người dân, chứ không thể cứng nhắc được”, ông Tẫn nêu quan điểm.
Cũng theo ông Tẫn, giờ làm việc có thể phù hợp với đối tượng này, nhưng lại không phù hợp với đối tượng khác. Một số nhóm đối tượng đông nhất, chịu ảnh hưởng đó là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời, nhiều đối tượng cũng chịu tác động giá tiếp vì ảnh hưởng đến thời gian làm việc trên, như các cháu học sinh, con em của cán bộ công chức.
“Trường học thì 7h, mà cán bộ công chức 8h30 mới đi làm, bố mẹ phải đưa con đi từ 6h30, đưa con đến trường rồi thì từ 7h - 8h30 làm gì? quay về nhà không giải quyết được vấn đề gì cả, mà quay lại cơ quan thì cũng chưa ai làm việc. Mình chỉ đề cập đến cái này thôi mà chưa đề cập đến cái khác và các luật khác có liên quan”, ông Tẫn dẫn chứng.
Ông Tẫn cũng đồng tình với một số ý kiến đưa ra là quyết định thời gian làm việc là để cho Hội đồng nhân dân tỉnh ở từng địa phương một quyết định, hoặc là giữ như hiện nay.
Hơn nữa, thời gian đầu giờ buổi sáng là khoảng thời gian làm việc hiệu quả nhất của con người, tính về yếu tố năng suất lao động.
Các cháu học sinh cũng chịu ảnh hưởng từ giờ làm việc của bố mẹ làm công chức.
“Thời gian làm việc phải làm sao để người lao động phát huy được tối ưu nhất năng suất thì mới hiệu quả. Mục đích làm sao vừa đảm bảo sức khỏe, vừa không phá vỡ tâm sinh lý của con người. Phải phù hợp với tùng vùng, từng đối tượng”, ông Tẫn phân tích.
Ông Tẫn cho rằng, phương án giờ làm việc từ 8h30 là không khả thi, có thể đúng với vùng này nhưng không phù hợp với vùng khác. Ở một góc độ nào đó, việc đề xuất mới còn làm giảm năng suất lao động.
“Mình cũng chưa thể lường hết được vì thực tiễn khi quy định chưa diễn ra. Có khi thực tiễn diễn ra rồi mới thấy được bất lợi của chính sách, những mặt trái không phù hợp”, ông Tẫn nói.
Duy Tuyên