Giờ làm việc từ 8h30: Dự thảo cần xét đến đặc thù miền Trung
(Dân trí) - Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất giờ làm việc từ 8h30 đối với các địa phương miền Trung, đơn cử như Nghệ An là chưa phù hợp. Vào mùa hè, tình trạng nắng gay gắt xảy ra từ sớm. Hơn nữa, người dân không thể dậy sớm rồi… đợi 2-3 tiếng mới đi làm.
Dự thảo sửa đổi Luật Lao động đang đề xuất 2 phương án về giờ làm việc đối với các cơ quan hành chính. Trong đó, phương án 1 giữ nguyên giờ làm việc như hiện tại. Thời gian làm việc đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với UBND và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
Phương án thứ 2 thay đổi giờ làm việc thống nhất trên cả nước. Theo đó, các cơ quan hành chính trong cả nước sẽ bắt đầu làm việc từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút, trừ những bộ phận làm việc 24/24h.
Đề xuất thay đổi giờ làm việc đã nhận được nhiều ý kiến góp ý từ người lao động cũng như cán bộ quản lý của các cơ quan hành chính tại Nghệ An.
Theo ông Nguyễn Khắc An - Hiệu trưởng Trường Kinh tế kỹ thuật Vinh (Nghệ An) thì thay đổi giờ làm việc là một câu chuyện không hề đơn giản, tuyệt đối không vội vàng. Bởi giờ làm việc không chỉ ảnh hưởng một vài người, một ngày mà là cả ngàn ngày và còn là cầu chuyện hội nhập quốc tế.
“Mọi quyết định liên quan đến con người đều cần được cân nhắc không chỉ thận trọng mà là khoa học. Những điều liên quan tới khoa học về tổ chức, khoa học về lao động, khoa học về xã hội, khoa học về sức khỏe… không nên nằm ngoài các tính toán giờ làm. Cá nhân tôi cho rằng, bắt đầu làm việc vào 8h30 là hơi muộn.
Sự thảnh thơi trước giờ làm có vẻ như được ưu ái, nhưng không loại trừ khởi đầu ngày làm việc muộn sẽ gián tiếp cổ súy hành vi “ngủ nướng” và tư tưởng “con cà con kê” của người Việt lại được kích hoạt ngay từ khi bắt đầu một ngày làm việc mới. Tâm trạng háo hức của một ngày mới nên ưu tiên cho công việc, hoạt động tái tạo sức lao động nên dành nhiều hơn vào quãng thời gian cuối ngày”, ông Nguyễn Khắc An cho hay.
Cũng chung quan điểm trên, ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp Nghệ An cho rằng, thay đổi giờ làm việc như dự thảo sửa đổi Luật Lao động cần tính thêm tới đặc thù thời tiết, địa hình của từng địa phương cũng như đặc thù của các ngành nghề, các bộ phận khác nhau trong các cơ quan hành chính.
Đặc thù thời tiết giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam đã có sự khác nhau. Riêng đối với địa bàn Nghệ An, vào mùa Đông, vào làm việc từ 8h30 tuy có muộn nhưng có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, vào mùa Hè, trời nắng sớm, có thời điểm, nắng gay gắt xuất hiện ngay từ đầu buổi sáng.
“Mùa hè, 8h trời đã nắng gay gắt. Nhiều người dân dậy từ 5h sáng, không thể ngồi đợi 2-3 tiếng sau mới có thể đi làm. Do đó, tôi thấy bắt đầu giờ làm việc lúc 8h30 là chưa hợp lý. Tương tự, việc kết thúc giờ làm vào 5h30, trong khi nhiều người phải đón con từ lúc 5h. Chưa có sự thống nhất giữa các ngành nghề, các cơ quan, đơn vị thì sẽ gây phiền toái cho người lao động”, ông Hào nhận định.
Bên cạnh đó, từng bộ phận công tác trong các cơ quan hành chính cũng có những đặc thù riêng. Đối với bộ phận 1 cửa của nhiều cơ quan, đơn vị, lâu nay, giờ làm việc bắt đầu từ 7h sáng, có nghĩa là công chức, viên chức làm việc ở đây phải có mặt sớm hơn để làm công tác chuyển bị. Theo quy định, đến 16h-16h30 việc tiếp nhận thủ tục sẽ được dừng lại để hoàn tất các hồ sơ, “khóa sổ” trước khi kết thúc giờ làm việc buổi chiều vào lúc 17h.
“Quy định là thế nhưng chúng tôi không thể cứng nhắc áp dụng thời gian làm việc như vậy được. Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính như làm lý lịch tư pháp, phải bấm lấy số thứ tự. Người dân đến sớm, không thể bắt họ chờ đến 8h30 mới bắt đầu làm việc. Cán bộ không thể cứ hết giờ là nghỉ trong khi người dân bấm số nhưng chưa đến lượt giải quyết", ông Hoàng Quốc Hào nói.
Cũng theo Giám đốc Sở Tư pháp, nhiều người ở các huyện xa, huyện miền núi về làm hồ sơ, không thể vì hết giờ làm việc mà bắt họ ra về. Ngày hôm sau lại tiếp tục đến, bởi như thế sẽ gây tốn kém chi phí ăn ở, đi lại.
"Bên cạnh đó, bộ phận 1 cửa làm việc quá thời gian theo quy định, kéo theo bộ phận văn thư, lãnh đạo đơn vị cũng phải ở lại để giải quyết xong thủ tục hành chính cho người dân đã bấm lấy số thứ tự trong ngày. Bởi vậy, cứ quy định 5h30 là kết thúc ngày làm việc và ra về là không phù hợp với thực tế của từng bộ phận trong các đơn vị hành chính”, ông Hoàng Quốc Hào cho biết thêm.
Về khung giờ làm việc mới theo phương án 2 của dự thảo sửa đổi Luật Lao động, theo ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động Nghệ An, nó chỉ phù hợp với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… nơi thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông do lưu lượng phương tiện giao thông tham gia trên đường quá lớn.
Tuy nhiên, phương án này chưa thực sự phù hợp với đặc trưng địa hình của các địa phương khác, trong đó có Nghệ An.
“Nghệ An là tỉnh có địa hình đồng bằng, miền núi, miền núi cao. Đối với khu vực miền núi, do đặc thù địa hình nên vào mùa Đông trời tối nhanh hơn. Nếu để 17h30 mới kết thúc giờ làm việc trong ngày sẽ gây khó khăn, nguy hiểm cho cán bộ các địa phương trong việc di chuyển, nhất là khi điều kiện giao thông chưa được đảm bảo, khoảng cách di chuyển lại xa.
Theo tôi, cứ để các địa phương tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, địa hình… của mình để có khung giờ làm việc phù hợp. Miễn đảm bảo ngày làm việc 8 tiếng, người lao động được nghỉ trưa 60 phút và không phải làm việc vào ban đêm”, ông Nguyễn Chí Công nêu ý kiến.
Hoàng Lam