Đề nghị tạm dừng tàu có thuyền viên Việt Nam đi qua Biển Đỏ
(Dân trí) - Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đề nghị các doanh nghiệp có thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu vận tải tránh xa hoặc tạm dừng hoạt động qua các tuyến hàng hải Trung Đông - Châu Phi.
Mới đây, sau vụ thuyền viên Việt Nam tử nạn do tàu trúng tên lửa ở Biển Đỏ, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã có văn bản gửi các doanh nghiệp nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động Việt Nam làm việc trên các tàu vận tải đi qua khu vực Trung Đông - Châu Phi.
Cơ quan này cho biết, thời gian qua, tình hình căng thẳng tại khu vực Trung Đông gia tăng, đặc biệt tại các vùng biển gần khu vực Trung Đông - Châu Phi (Biển Đỏ). Trong đó, có vụ việc đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của thuyền viên Việt Nam.
"Lực lượng Houthi tuyên bố thời gian tới sẽ tấn công cả những tàu hàng đi qua Ấn Độ Dương (khu vực Nam Á) đến Mũi Hảo Vọng (Châu Phi). Do đó, tình hình mất an ninh, an toàn hàng hải không chỉ giới hạn ở khu vực Trung Đông mà có thể lan sang khu vực Nam Á và Châu Phi", Cục Quản lý lao động ngoài nước dẫn lời truyền thông khu vực Trung Đông.
Để đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động Việt Nam làm việc trên tàu vận tải quốc tế, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương làm việc với các đối tác, chủ tàu có người lao động Việt Nam làm việc về nguy cơ mất an ninh, an toàn; phổ biến tình hình để người lao động cân nhắc làm việc trên các tàu vận tải đi qua các tuyến hàng hải nêu trên.
Đặc biệt, Cục yêu cầu đối tác có sử dụng lao động Việt Nam trên các tàu vận tải tránh xa các tuyến hàng hải gần khu vực Trung Đông - Châu Phi trong thời điểm hiện nay, hoặc tạm dừng cho đến khi tình hình an ninh, an toàn được đảm bảo. Đồng thời, thường xuyên nắm bắt tình hình người lao động đang làm việc ở nước ngoài trên các tàu vận tải.
Trước đó, ngày 6/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước nhận được thông tin tàu True Confidence (IMO: 9460784) treo cờ Barbados trên hải trình từ Singapore đến Jeddah - Ả rập Xê út đã bị trúng tên lửa.
Thời điểm xảy ra vụ việc, trên tàu có 20 thuyền viên và 3 cảnh vệ hộ tống tàu, trong đó có 4 thuyền viên Việt Nam gồm Đặng Duy Kiên (41 tuổi), Phạm Văn Thành (39 tuổi), Nguyễn Văn Tảo (36 tuổi) và Phùng Văn An (31 tuổi).
Có 3 người thiệt mạng và một số khác bị thương, trong đó có 1 thuyền viên Việt Nam thiệt mạng, 3 thuyền viên Việt Nam còn lại trong trạng thái bình thường.