1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định:

Dạy trồng nấm sò cho thanh niên ở "cổng trời" An Toàn

Doãn Công

(Dân trí) - Tỉnh đoàn Bình Định vừa phối hợp với Sở LĐ-TB&XH tỉnh tổ chức tập huấn dạy trồng nấm cho thanh niên, người dân ở xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão (tỉnh Bình Định).

An Toàn, xã vùng cao của huyện miền núi An Lão (tỉnh Bình Định) nằm trên độ cao gần 1.200m so với mặt nước biển. Bởi vậy, vùng đất này còn được mệnh danh là "cổng trời" của Bình Định.

Toàn xã có 244 hộ với khoảng 936 nhân khẩu, trong đó chỉ có 7 hộ là người kinh, còn lại là đồng bào các dân tộc thiểu số. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 70% dân số, nên đời sống người dân còn không ít cơ cực.

Dạy trồng nấm sò cho thanh niên ở cổng trời An Toàn - 1
Cán bộ kỹ thuật của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định hướng dẫn cách trồng nấm sò cho thanh niên, người dân xã vùng cao An Toàn.

Chủ tịch Hội nông dân xã An Toàn Lê Văn Tín cho biết, đời sống của bà con cơ bản là làm nông nghiệp trồng lúa, quản lý bảo vệ rừng và chăn nuôi là chính.

Trong khi diện tích trồng lúa cả xã chỉ 100 ha nhưng chỉ trồng được 1 vụ. Ngoài ra, người dân còn sống nhờ vào khai thác các loại lâm sản dưới tán rừng như: săn mật ong rừng, săn mây…nhưng cũng chỉ theo mùa vụ.

"Những năm gần đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi… đã làm thay đổi kinh tế nông nghiệp, bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần người dân trong xã được cải thiện rõ rệt nhưng vẫn còn thấp và nhiều khó khăn. Thu nhập thấp, điều kiện sinh hoạt, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, lao động thiếu việc làm tăng lên…", ông Tín cho hay.

Dạy trồng nấm sò cho thanh niên ở cổng trời An Toàn - 2
Nhiều thanh niên đồng bào ở xã An Toàn tham gia lớp tập huấn trồng nấm sò nhằm tạo công ăn, việc làm tại địa phương.

Tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm, anh Phạm Văn Kiếu (25 tuổi, thôn 1, xã An Toàn) chia sẻ: "Ngoài làm rẫy và đi rừng khai thác các loại lâm sản dưới tán rừng thì thanh niên trên này không có việc gì để làm thêm nên cuộc sống bà con ở đây còn khó khăn. Tôi tham gia lớp tập huấn trồng nấm này với mong muốn sẽ học hỏi được kiến thức, kinh nghiệm trồng nấm sò. Sau đó, tùy thuộc vào điều kiện gia đình tôi sẽ mua một trồng thử nghiệm, nếu thành công sẽ nhân rộng thêm".

Với mong muốn cải thiện cuộc sống, thầy Nguyễn Văn Thuận, giáo viên Trường Tiểu học An Toàn cho biết: "Tôi tham gia lớp tập huấn trồng nấm này, trước tiên là để biết kỹ thuật trồng nấm, sau sẽ mua ít bịch phôi nấm để trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả thì sẽ trồng nhiều để cải thiện cuộc sống".

Dạy trồng nấm sò cho thanh niên ở cổng trời An Toàn - 3
Cán bộ chỉ dẫn bịch phôi nấm không đạt chất lượng

Bí thư Xã đoàn An Toàn Đinh Văn Ba bày tỏ: "Tôi rất bất ngờ khi có nhiều thanh niên và người dân đến tham gia lớp tập huấn trồng nấm sò. Tại đây, các thanh niên và người dân được trực tiếp thực hiện các kỹ thuật ủ nguyên liệu, đóng bịch phôi nấm, cách hấp khử trùng bịch phôi nấm và cấy giống, chăm sóc. Từ đó, có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại địa phương, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập".