1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đầu xuân, thợ mộc giỏi "đắt hàng" ở Hà Nội

Kim Sơn

(Dân trí) - Dịch Covid-19 và việc giãn cách vừa qua đã khiến không ít thợ mộc ở các tỉnh xa ngại đến Hà Nội, chính vì vậy nhiều xưởng sửa chữa đồ gỗ cũ ở Nam Từ Liêm (Hà Nội) thiếu nhân công.

Lương thợ lên tới 400.000 đồng/ngày

Sau Tết, tại khu vực đường Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội), xưởng gỗ nhà anh Nguyễn Văn An đã có nhiều người vào đặt sửa chữa hay hỏi mua những cánh cửa cũ. Không chỉ bán đồ cũ, cửa hàng của anh còn nhận "tút tát" lại những đồ gỗ đã cũ sao cho vừa ý khách hàng.

"Trước Tết, xưởng nhà tôi thuê 5 người thợ lành nghề để chuyên gia công những đồ gỗ cũ. Hiện nay vì lo ngại dịch bệnh nên chưa ai quay trở lại, tôi phải lo mọi việc", anh An cho hay.

Đồ cũ nơi đây có nhiều loại: Bàn, ghế, khung cửa, phản, giường…Nhưng nhiều nhất vẫn là những cánh cửa gỗ cũ.

Đầu xuân, thợ mộc giỏi đắt hàng ở Hà Nội - 1

Một người thợ đang tiến hành công đoạn phun sơn làm mới một chiếc phản cũ.

"Những cánh cửa bằng gỗ ngày xưa độ bền hơn nhiều loại gỗ bây giờ nên nhiều khách hàng có yêu cầu rất khắt khe. Vì vậy, tôi rất cần thuê thêm những thợ lành nghề có kinh nghiệm lâu năm. Mức lương thỏa thuận là 400 nghìn đồng/ngày và bao cả ăn ở", anh An cho biết.

Với kinh nghiệm 16 năm trong nghề, anh An cho biết việc sửa chữa lại những đồ cũ đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ hơn rất nhiều so với làm mới. Công đoạn đầu tiên là soạn gỗ để thay thế vào những chỗ hỏng hóc của cánh cửa cũng cần phải lưu ý.

"Tùy theo cánh cửa còn nguyên vẹn bao nhiêu thì phải cân nhắc những cách gia cố cho hợp lý. Nếu phải thay những khung gỗ mới, tôi phải đi tìm đặt loại gỗ chất lượng tương đương để trám vào chỗ đó", anh An chia sẻ.

Theo anh An, người thợ mộc giỏi khi làm việc cần kiểm tra lại các hệ thống mộng và then cửa sao khớp - khi lắp lại cửa sẽ không bị vênh. Sau khi làm xong công đoạn khó khăn này, người thợ mộc tiến hành khâu bào và đánh giấy giáp sao cho sản phẩm đạt độ nhẵn, mịn.

Đầu xuân, thợ mộc giỏi đắt hàng ở Hà Nội - 2

Theo anh An, gia công đồ cũ tỉ mỉ hơn nhiều so với làm đồ mới.

Anh An tiết lộ thêm, cánh cửa muốn nhanh khô cần mang ra ngoài phơi nắng. Bên cạnh đó, cần lưu ý tránh những va quệt có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Cần nhiều thợ giỏi

Cách vài trăm mét, xưởng gỗ nhà anh Nguyễn Tài Nam ngổn ngang những cánh cửa cũ đang chờ gia công. Nhưng vì cánh thợ chưa quay lại làm việc, anh Nam chỉ biết ngồi chờ khách hỏi mua những mặt hàng đã hoàn thành từ trước Tết.

Đầu xuân, thợ mộc giỏi đắt hàng ở Hà Nội - 3

Tại khu vực đường Đại Mỗ, người thợ chủ yếu gia công những cánh cửa chớp.

Nói với PV, xưởng của anh chuyên thu mua những đồ gỗ cũ (chủ yếu là cánh cửa). Sau đó, nếu ai có nhu cầu mua độ nào thì anh sẽ cho thợ thi công như mới để bán cho khách.

Theo anh Nam, cách đây từ 10 - 15 năm, khu vực đường Đại Mỗ luôn tấp nập những xưởng chuyên mua bán, sửa chữa đồ gỗ cũ. Nhưng hiện nay do thị hiếu của khách hàng giảm đi nên chỉ còn tồn tại vài hộ vẫn quyết tâm bám nghề này.

"Bên cạnh việc mua đồ mới vẫn những người thích dùng những đồ gỗ cũ vì độ bền hơn nhiều so với gỗ công nghiệp. Đó chủ yếu là những khu homestay, quán cà phê theo phong cách cổ điển hoặc những gia đình muốn xây nhà theo kiểu thời xưa", anh Nam chia sẻ.

Giống với xưởng của anh An, anh Nguyễn Tài Nam đang cần tuyển thêm 3 thợ giỏi để đáp ứng nhu cầu của khách. Anh cho biết, mức lương anh trả dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng công tùy theo độ chăm chỉ. Bên cạnh đó, anh bao cả ăn ở hoàn toàn cho những ai nhà ở tỉnh xa đến đây làm việc.