1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đắt hàng dịp Tết, "nghệ nhân" làm đũa cau tất bật đến khuya

Dương Nguyên

(Dân trí) - Cận Tết, những "nghệ nhân" làm đũa từ cây cau rừng ở Hà Tĩnh tất bật, tăng ca từ sáng đến khuya vẫn không đủ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách.

Những ngày giáp Tết Quý Mão 2023, ngôi làng nằm sát đường tàu hỏa ở xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) trở nên nhộn nhịp hơn với công việc làm đũa cau. Họ làm cả ngày lẫn đêm vì thời gian này số lượng người đặt hàng rất nhiều.

Cũng vào mùa này, chuyến đi xa nhà vào rừng lấy cau về làm đũa của ông Bùi Văn Mạnh (57 tuổi, trú tại thôn 1, xã Phúc Trạch) trở nên dày hơn.

Đắt hàng dịp Tết, nghệ nhân làm đũa cau tất bật đến khuya - 1

Những "nghệ nhân" làm đũa đang tất bật với công việc để đáp ứng thị trường Tết.

Lần nào đi, ông Mạnh cũng chuẩn bị dao, chăn, màn, thực phẩm rồi cùng một số người ở làng chạy xe máy, vượt hơn 200km đến các vùng núi ở Nghệ An lấy cau rừng. Loại này còn được gọi là cau nàng rưng.

Gia đình ông Mạnh có truyền thống làm đũa hơn 15 năm nay. Ngoài vợ chồng ông, 2 người con trai cùng con dâu trong gia đình cũng theo nghề này. Nơi sản xuất của gia đình ông Mạnh chỉ rộng khoảng 10m2.

Đắt hàng dịp Tết, nghệ nhân làm đũa cau tất bật đến khuya - 2

Sau khi sản phẩm hoàn thành, người dân dùng lá chuối làm bóng, không sử dụng hóa chất.

Dịp này, mỗi ngày, gia đình ông Mạnh sản xuất hơn 200 đôi đũa. Vì khách đặt nhiều, các thành viên trong gia đình phải dậy từ 6h sáng vót đũa đến tận đêm khuya. Thậm chí có hôm, cả nhà phải làm việc đến 1h sáng mới nghỉ.

"Dịp sát Tết, nguồn hàng cần nhiều, phải tranh thủ làm để kiếm thêm thu nhập. Mới đây, tôi bán được 2.000 đôi cho khách ngoại tỉnh đặt hàng", bà Nguyễn Thị Hà (54 tuổi, vợ ông Mạnh) cho biết.

Nói về loại cau đặc biệt được lựa để làm đũa, theo bà Hà, đây là những cây chỉ mọc ở rừng sâu. Trước đây, họ chỉ cần đi vào rừng ở huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn là có thể chặt về làm đũa. Nhưng nay, loài cây này được khai thác nhiều nên đã cạn kiệt. Để có nguồn hàng làm hàng ngày, chồng bà sẽ đảm nhận việc đi tìm nguyên liệu.

Đắt hàng dịp Tết, nghệ nhân làm đũa cau tất bật đến khuya - 3

Đũa sản xuất ở xã Phúc Trạch có mùi thơm đặc trưng riêng.

"Cau phải chọn những gốc già, từ 20 đến 30 năm tuổi. Loại cây này mọc ở các vùng núi sâu nên mỗi lần đi vào rừng phải mất cả tuần mới về. Chồng tôi phải đưa thực phẩm mang theo, ăn ngủ ngay tại rừng. Khi được khoảng 100 cây, sẽ đưa về một lần", bà Hà nói.

Cây sau khi được đưa về nhà, các "nghệ nhân" sẽ cưa thành từng khúc ngắn khoảng 20-25cm. Sau đó, nguyên liệu phải trải qua 6 công đoạn, từ chẻ, vót, bào thô rồi tới bào trơn, chà tạo độ bóng, phơi khô mới tạo ra thành phẩm. Mỗi công đoạn đều được người thợ làm rất tỉ mỉ, công phu.

Đũa cau nơi đây vẫn được làm theo phương pháp thủ công bằng tay và máy bào tự chế. Đũa được làm theo hai hình dáng tròn và vuông.

Đắt hàng dịp Tết, nghệ nhân làm đũa cau tất bật đến khuya - 4

Đũa được làm theo hai hình dáng tròn và vuông.

Để làm được đôi đũa đẹp, sau khi bào tay xong, người thợ nhắm một mắt lại, sử dụng mắt kia để căn chỉnh làm sao cho cân đối, không bị lệch. Điều đặc biệt, sau khi sản phẩm hoàn thành, người dân dùng lá chuối chà để tạo độ ma sát, làm bóng chứ không phải sử dụng hóa chất.

Theo nhiều người dân, trước đây đũa cau chỉ làm để sử dụng trong gia đình. Sau đó, khách nơi khác đến thấy đũa làm từ chất liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất, lại có mùi thơm đặc trưng nên đặt mua.

Tiếng lành đồn xa, sản phẩm này giờ không chỉ được tiêu thụ trong hay ngoài tỉnh, mà nay còn được bán sang cả nước ngoài làm quà.

Theo lãnh đạo UBND xã Phúc Trạch, địa phương đang có 20 hộ gia đình ở thôn 1 và 3 duy trì nghề làm đũa, nhờ có nghề này, nhiều gia đình ổn định cuộc sống, có tiền nuôi con ăn học.