Đập cửa giải cứu "người nhện" treo lơ lửng, đu lắc giữa trời

Hoa Lê

(Dân trí) - Để nắm được trong tay vài triệu đồng/ngày, những "người nhện" đu mình trên cao, thoăn thoắt lau kính, đối mặt không ít hiểm nguy rình rập.

Theo Newsflare, mới đây, clip giải cứu nam công nhân treo lơ lửng bên ngoài tầng 34 ở Trung Quốc đang thu hút sự chú ý. Clip ghi lại hình ảnh một công nhân đang treo mình làm việc bên ngoài một tòa nhà cao tầng bỗng nhiên bị chính sợi dây an toàn quấn quanh cổ.

Phát hiện trường hợp người lao động đang gặp nạn, nhân viên văn phòng lập tức gọi cứu hộ và dùng búa đập cửa kính để giải cứu công nhân này.

Qua quan sát, nhiều người cho rằng công nhân đang làm công việc đu dây lau kính.

Tại Việt Nam, công việc đu mình lau kính như những "người nhện" trên các tòa nhà cao tầng cũng thu hút nhiều lao động tham gia. Công việc mạo hiểm này giữ được chân nhiều công nhân vẫn bám trụ vì thu nhập cao.

Tái mặt khi gặp dông gió

Mới ngày nào còn sợ cứng người khi đu người lau từng tấm kính bên ngoài những cao ốc chọc trời, anh Tống Đức Lâm (31 tuổi, quê Kim Sơn, Ninh Bình) đã có 7 năm gắn bó với công việc này.

Chừng ấy thời gian, dù may mắn chưa gặp sự cố nghiêm trọng trong quá trình làm việc nhưng anh Lâm cũng chứng kiến không ít tai nạn "hú hồn" của đồng nghiệp, không khác gì clip giải cứu công nhân ở Trung Quốc.

Đập cửa giải cứu người nhện treo lơ lửng, đu lắc giữa trời - 1

Nghề lau kính trên cao ốc kiếm bạc triệu mỗi ngày (ảnh: Xuân Hinh).

Vào năm 2017, anh cùng một công nhân khác làm nhiệm vụ lau kính cho một tòa nhà 40 tầng ở phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội). Sau khi thắt dây an toàn và kiểm tra ghế ngồi chắc chắn, anh cùng đồng nghiệp đu mình trên cao, tay thoăn thoắt đưa đẩy dụng cụ, lau kính của tòa nhà.

Bỗng nhiên trời nổi cơn dông bất ngờ. Gió to quật mạnh vào sợi dây treo, người anh Lâm bị đu đẩy qua lại khó kiểm soát và không thể tiếp tục làm công việc. Anh bị xoay tròn theo chiều gió lốc, sợi dây treo mình quấn chặt đồng nghiệp của anh từ lúc nào không hay.

Nghe tiếng hô hoán lớn, những công nhân ở dưới mặt đất phải liên hệ với người trong tòa nhà hỗ trợ mở cửa sổ, để nhóm công nhân có thể chui vào trong tránh dông lốc, thoát nạn trong gang tấc.

"Cũng may chúng tôi nhanh trí, nếu tiếp tục để dông gió quật, dây quấn quanh người sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng", anh Lâm chia sẻ.

Nam công nhân kia vừa "chân ướt chân ráo" vào nghề, nên mặt tái mét khi gặp phải sự cố. Phải ngồi lại trong nhà người dân một lúc lâu, đồng nghiệp của anh mới hoàn hồn.

Anh Lâm chia sẻ: "Tôi cứ nghĩ sau sự cố này, anh bạn của tôi không dám theo nghề nữa. May thay, anh ấy vẫn giữ độ "lì lợm" tiếp tục công việc đến bây giờ".

Theo người lao động này, đặc thù công việc đu dây lau kính phải làm trên cao, ai nhìn cũng phải khiếp đảm nhưng những người làm nghề này quá quen với độ cao, mạo hiểm đó.

Trước khi bắt tay vào làm ở bất kì công trình nào, những công nhân này đều được huấn luyện kĩ lưỡng về an toàn. Song, bản chất công việc này luôn rình rập những hiểm nguy ngoài dự tính.

Anh Lâm nhớ lại một lần "chết hụt" của đồng nghiệp khi lau kính tại tòa nhà 35 tầng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Vừa hoàn thành xong phần việc của mình, anh Lâm tiếp đất, đang tháo các thiết bị bảo hộ thì bỗng nghe tiếng va đập mạnh.

Đập cửa giải cứu người nhện treo lơ lửng, đu lắc giữa trời - 2

Công việc đòi hỏi người lao động không sợ độ cao, nhanh nhẹn (ảnh: NVCC).

Công nhân này ngẩng đầu lên thấy người bạn của mình đang lau kính ở tầng 5 bỗng bị đứt dây an toàn và rơi tự do. May thay, người lao động này chỉ rơi xuống một tầng đã bám víu được ở tầng thứ tư. Lúc đó trống ngực đập thình thịch, Lâm chỉ biết cầu nguyện cho người bạn của mình trở về mặt đất an toàn.

"Cái nghề này chỉ khi nào đặt chân xuống mặt đất mới có thể thở phào nhẹ nhõm", anh Lâm chia sẻ.

Dù tận mắt chứng kiến những rủi ro luôn rình rập, nhưng nam công nhân này chưa từng nghĩ đến chuyện bỏ việc. Trung bình mỗi ngày, công việc này mang lại cho anh thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng.

Những tháng nhiều việc, 40-50 triệu đồng là mức lương anh từng đạt được. Bên cạnh đó, giờ giấc làm việc linh hoạt cũng là yếu tố để người lao động này bám chặt với công việc này.

Ám ảnh ngày hè bỏng rát

Đang làm nghề sơn cho các công trình, anh Hoàng Văn Phúc (SN 1990, ở Yên Bái) cũng được bạn bè giới thiệu về công việc lau kính cho các tòa nhà.

Đến nay, anh nhận toàn bộ việc vệ sinh kính cho các cao ốc cũng như nhà người dân. Để thạo nghề như hôm nay, nam công nhân phải "thực tập" rất nhiều từ công việc đi phụ giúp, vận chuyển dây lên cao hay làm cảnh giới dưới mặt đất.

Vừa nhận công trình 30 tầng ở khu vực Gia Lâm (Hà Nội), sáng sớm, anh Phúc cùng những người lao động khác lỉnh kỉnh đồ đạc gồm dây, ghế đu, đồ hít kính, khóa an toàn, đai bảo vệ toàn thân, dụng cụ lau rửa… di chuyển đến nơi làm việc.

Hôm nay, nhóm của anh gồm 4 người lau kính ở tòa nhà với mục tiêu 2 ngày sẽ hoàn tất. Đi làm những ngày hè là nỗi ám ảnh của những người công nhân này. Nhưng vì miếng cơm, manh áo, dù vất vả đến mấy họ cũng cố gắng vượt qua.

Đập cửa giải cứu người nhện treo lơ lửng, đu lắc giữa trời - 3

Thấm thoắt đã hơn 7 năm anh Phúc gắn bó với nghề lau kính (ảnh: NVCC).

"Nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời chạm ngưỡng 40 độ C. Chúng tôi treo mình trên cao, áp mặt vào những tấm kính bỏng rát, cơ cực lắm. Người như con nhái bén treo lơ lửng giữa nắng gắt muốn héo khô. Mồ hôi túa ra, kính phản chiếu vào mắt khiến chúng tôi rất khó quan sát khi làm việc", anh Phúc chia sẻ.

Nhiều khi công nhân này đã muốn bỏ cuộc vì sức bền không đấu được sự khắc nghiệt của thời tiết.

Những lúc như vậy, anh Phúc phải cố gắng nghĩ tích cực, đằng nào cũng phải hoàn tất công việc theo tiến độ cam kết, nên tự động viên bản thân mình cố thêm một chút sẽ sớm hoàn thành yêu cầu.

Nhiều người cho rằng đây là công việc đầy hiểm nguy, song nam công nhân quan niệm, nếu nắm vững quy trình, thận trọng, đảm bảo các bước an toàn lao động, nguy cơ tai nạn sẽ được giảm thiểu.

"Làm công việc này còn an toàn hơn việc đi xe máy tham gia giao thông. Các thiết bị bảo hộ được kiểm định, mỗi dây tải có thể chịu được đến 1,8 tấn. Đã làm nghề thì cứ yên tâm trong quá trình lao động thôi", anh Phúc cười xòa.