1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Đào tạo theo “địa chỉ” cho 150.000 người giai đoạn 2018-2020

(Dân trí) - “Quý 1/2018, 10 trường nghề thí điểm ký kết với 15 tập đoàn trong và nước về việc đào tạo theo địa chỉ với số lượng học viên là 150.000 người, giai đoạn từ năm 2018-2020” - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội, sáng 26/5.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Phiên thảo luận của Quốc hội.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Phiên thảo luận của Quốc hội.

Đẩy mạnh đào tạo đặt hàng

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2018, ngành LĐ-TB&XH đã chọn giáo dục nghề nghiệp là một khâu đột phá, qua đó nhằm tạo ra việc làm ổn định và bền vững cho người lao động.

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung nhiều vấn đề cơ bản.

“Trước hết là tập trung quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp. Tới nay, số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã giảm được 252 trung tâm cấp huyện, giảm 35 trường cao đẳng và công lập hoạt động không có hiệu quả” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, Bộ LĐ-TH&XH sẽ quyết liệt giảm tiếp những trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không hiệu quả, hoạt động không đảm bảo trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH chủ trương chuyển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động đào tạo theo địa chỉ và đơn hàng, trên cơ sở dự báo cung cầu thị trường.

“Việc chuyển công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp từ đào tạo không theo dự báo, không theo nhu cầu chuyển sang đào tạo theo đặt hàng, theo nhu cầu và có dự báo sẽ tiếp tục được ưu tiên thời gian tới” - Bộ trưởng cho biết.

Ngay trong quý I/2018, Bộ LĐ-TB&XH thí điểm 10 trường ký kết với 15 tập đoàn trong nước và quốc tế đã xác định đào tạo theo địa chỉ là 150.000 người trong 3 năm 2018-2020. Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhu cầu đào tạo theo địa chỉ đang rất lớn và nếu đón đầu được sẽ tạo sự đột phá.

“Nếu tính chung, một trường có quy mô khá như trường cao đẳng và kỹ nghệ Dung Quất trong 22 năm qua chỉ đào tạo được 18.000 công nhân kỹ thuật và người lao động. Nhưng trong 3 năm tới, việc đào tạo theo địa chỉ sẽ nâng số người học lên tới gần 16.000 người” - Bộ trưởng so sánh.

Cần tính lại năng suất lao động

Bàn về năng suất lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: "Năng suất lao động toàn nền kinh tế đạt 93,2 triệu đồng/lao động. Nếu tính theo giá hiện hành, năng suất lao động tăng 6,6%, thuộc nhóm nước có tốc độ cao. Nhưng bình quân 10 năm chỉ tăng 4,4%năng suất lao động chung của các ngành kinh tế bằng 1/3 khu vực công nghiệp, năng suất lao động công nghiệp bằng 1/4 khu vực dịch vụ".

Tuy nhiên việc tính toán năng suất lao động cần được xem xét lại. "Theo các chuyên gia, chúng ta áp dụng phương pháp tính chung phù hợp với xu hướng quốc tế. Nhưng qua trao đổi thấy rằng, năng suất lao động của chúng ta có thể cần phải tính toán lại một cách cụ thể hơn, do đặc thù của VN với yếu tố kinh tế phi chính thức còn lớn” - Bộ trưởng bổ sung.

“Nhìn tổng thể cho thấy, tính bền vững của việc làm không cao. Điều này thể hiện ở thu nhập, môi trường lao động an toàn. Mặt khác, thị trường lao động còn chưa hình thành đồng bộ theo cơ chế thị trường, lao động phổ thông chiếm tỉ lệ cao. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu 2 nguồn nhân lực quan trọng là nhân lực quản lý và nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành kinh tế động lực” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thẳng thắn thừa nhận.

Phân tích thêm, Bộ trưởng cho biết: “Nói một cách khác, năng suất lao động có thể còn chưa được đánh giá đúng, bởi việc đánh giá thu nhập không chính thức chưa chính xác. Nếu làm được điều này, chúng tôi tin rằng năng suất lao động Việt Nam không phải như thế này”.

Liên quan tới tình hình việc làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng thanh niên, sinh viên ra trường còn khó khăn trong tìm kiếm việc làm.

“Tỉ lệ thất nghiệp còn cao, hiện nay bình quân là khoảng trên 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Riêng năm 2017, thanh niên thất nghiệp là 7,51% tăng so với năm 2016. Khu vực thành thị là 11,75%” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Cũng theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, sự dịch chuyển vào khu vực có quan hệ lao động có xu hướng tăng, số lao động làm việc làm công ăn lương có quan hệ lao động đang tăng dần.

Trong khi đó, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp thành thị thấp hơn so với chỉ tiêu.

Hoàng Mạnh