Lao động thất nghiệp ở Bình Dương ít học nghề

Phạm Diện

(Dân trí) - Dù tỷ lệ thất nghiệp tại Bình Dương cao nhưng nhiều doanh nghiệp lớn trong tỉnh vẫn đang gặp khó trong việc tuyển dụng người lao động. Người thất nghiệp cũng ít quan tâm chính sách học nghề.

Ngày 8/8, Cục việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã có buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương để khảo sát thị trường việc làm tại Bình Dương. Chủ trì cuộc họp là ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm; ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bình Dương.

Báo cáo với Cục việc làm về tình hình lao động trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm, ông Tuyên cho biết, 6 tháng đầu năm, Bình Dương có 3.210 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động; tăng 129% so với quý I/2024 và tăng 127% so với cùng kỳ năm 2023.

Lao động thất nghiệp ở Bình Dương ít học nghề - 1

Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (bên phải) làm việc với Sở LĐ-TB&XH Bình Dương (Ảnh: Phạm Diện).

Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong nửa đầu năm là hơn 40.800 lao động; tăng 80,5% so với quý I/2024 và tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉnh đã giới thiệu việc làm cho hơn 54.000 người và tạo thêm 17.500 việc làm, đạt 47,4% kế hoạch năm. Tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tính đến cuối tháng 5/2024 là 39.176 người.

Ông Tuyên cho biết thêm, thực tế các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn nhưng lại gặp nhiều khó khăn mặc dù số lao động thất nghiệp vẫn nhiều. Theo ông Tuyên, số lượng lao động thất nghiệp phần nhiều trong độ tuổi từ 40 trở lên. Trong khi phần lớn doanh nghiệp đưa ra các yêu cầu tuyển dụng với độ tuổi nhỏ hơn 40 tuổi.

Lao động thất nghiệp ở Bình Dương ít học nghề - 2

Doanh nghiệp ở Bình Dương khó tuyển dụng lao động dù tỷ lệ thất nghiệp cao (Ảnh: Phạm Diện).

Khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động chưa quan tâm nhiều đến chính sách hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện. Vì vậy, việc kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho đối tượng này thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm đề nghị tỉnh Bình Dương cần khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình dịch chuyển, nhu cầu lao động theo từng ngành nhằm đưa ra dự báo tuyển dụng chính xác, lập kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.

Cục trưởng nhấn mạnh, Bình Dương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các Trung tâm dịch vụ việc làm, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành khác để nắm bắt tình hình dịch chuyển lao động, tránh tình trạng thừa, thiếu lao động và lãng phí nguồn lực chất lượng cao.