1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định:

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu xã hội

Doãn Công

(Dân trí) - Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu xã hội được xem là giải pháp quan trọng góp phần giảm nghèo bền vững; tạo việc làm, cơ hội lập nghiệp, giúp ổn định đời sống người dân.

Đào tạo nghề gắn với giảm nghèo

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định nhận định đây là hướng đi hiệu quả, góp phần quan trọng để huyện này đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu xã hội - 1

Nghề đan bàn ghế nhựa giả mây đang tạo thu nhập ổn định cho phụ nữ nông thôn ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định (Ảnh: Văn Quí).

Qua hơn 10 năm thực hiện, các cấp, các ngành, hội đoàn thể và địa phương đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề của tỉnh, huyện mở hơn 190 lớp đào tạo nghề với gần 6.000 LĐNT (trong đó có 100 lớp nghề phi nông nghiệp với gần 3.900 học viên; 91 lớp nghề nông nghiệp với gần 3.000 học viên), với tổng kinh phí thực hiện gần 10 tỷ đồng.

Sau khi học nghề, tất cả học viên đều có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho bản thân và gia đình. Đặc biệt có nhiều học viên là người khuyết tật, sau khi học xong các lớp đào tạo nghề đã có việc làm ổn định, vừa tạo thu nhập cho gia đình vừa tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ tại địa phương.

Chị Ngô Thị Gái (42 tuổi, trú tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) là một trong những người khuyết tật có công việc và thu nhập ổn định sau khi học nghề đan bàn ghế nhựa giả mây.

Theo chị Gái, sau khi học xong nghề ,chị mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ ngân hàng để mua dụng cụ làm tại nhà. Hiện nhóm tự lực của chị có 7 người có việc làm thường xuyên với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, việc triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn đã góp phần nâng cao chất lượng, kỹ năng nghề nghiệp cho LĐNT, nâng tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo từ hơn 32% năm 2010 lên gần 57% cuối năm 2021.

Kết quả tạo nghề cho LĐNT đã tác động đáng kể đến công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Qua kết quả rà soát cuối năm 2019, toàn huyện đã có gần 4.100 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 8,6% cuối năm 2015 xuống còn gần 2,6% cuối năm 2019 (giảm hơn 6%, vượt hơn 1,% so với kế hoạch).

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu xã hội - 2

Đào tạo nghề tạo dáng và chăm sóc cây cảnh (Ảnh: Văn Quí).

Đáng chú ý, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, như liên kết đào tạo nghề may công nghiệp giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp; đào tạo nghề do các doanh nghiệp trực tiếp đào tạo gắn với giải quyết việc làm tại chỗ; thành lập các tổ, nhóm hợp tác làm nghề đan nhựa giả mây, may công nghiệp, tạo dáng và chăm sóc cây cảnh...

Học nghề theo nhu cầu thị trường

Những năm gần đây, huyện Tuy Phước đã tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch với các nghề kỹ thuật chế biến món ăn, nghiệp vụ nhà hàng. Theo đó, có trên 90% lao động sau đào tạo được tuyển dụng và có việc làm ổn định. Nhiều lao động nữ ở nông thôn sau khi học nghề đã thành lập các tổ, nhóm dịch vụ nấu ăn phục vụ tiệc cưới hỏi, hội nghị, mở nhà hàng...

Trong khi đó, ở lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, LĐNT được hỗ trợ học nghề đã đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như nghề trồng và nhân giống nấm, trồng hoa cúc, hồng, đồng tiền, trồng rau an toàn…

Các nghề như đan nhựa giả mây, may công nghiệp phù hợp điều kiện, sở thích, nhu cầu của đa số lao động, nhất là góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho phụ nữ, thanh nhiên và lao động tranh thủ thời gian nhàn rỗi, nhận hàng về gia công, kiếm thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Hiện trên địa bàn huyện có trên 50 cơ sở nhận hàng gia công đồ may mặc và sản xuất hàng đan nhựa giả mây đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở các địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy Phước, thời gian tới sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng các ngành nghề theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động.

Gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025, góp phần giảm nghèo bền vững.

Phấn đấu tỷ lệ LĐNT có việc làm sau khi học nghề đạt trên 85%; 100% LĐNT được tuyên truyền, phổ biến về chính sách học nghề theo quy định.