Đang làm rõ việc thực tập sinh VN dọn phóng xạ tại Fukushima

(Dân trí) - Liên quan tới thông tin thực tập sinh Việt Nam được đưa tới khu vực nhiễm xạ tại tỉnh Fukushima để làm việc, PV Dân trí đã liên hệ với ông Nguyễn Trường Giang, TP Nhật Bản - Châu Âu và Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH) để tìm hiểu sự việc.


Fukushima bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa hạt nhân năm 2011. (Ảnh minh họa: Nikkei)

Fukushima bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa hạt nhân năm 2011. (Ảnh minh họa: Nikkei)

Ông Nguyễn Trường Giang, cho biết: “Ngay khi có thông tin trên báo chí Nhật Bản về việc một thực tập sinh Việt Nam được đưa vào làm việc trong khu vực nhiễm xạ ở Fukushima, chúng tôi đã có công văn gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để nhờ phối hợp với Bộ Tư pháp Nhật Bản để làm rõ thông tin”.

Cũng theo ông Nguyễn Trường Giang, tới thời điểm này, Bộ Tư pháp Nhật Bản mới phản hồi rằng, đây là những thông tin cá nhân và đang trong quá trình thẩm định. “Họ chưa có thông tin cụ thể cho phía Việt Nam” - ông Nguyễn Trường Giang nói.

Được biết, Cục quản lý lao động cũng đã liên hệ với phía Liên đoàn lao động Zentoitsu. Đây là tổ chức đại diện cho người lao động, bao gồm cả thực tập sinh Việt Nam. “Liên đoàn lao động trả lời đang tìm kiếm thông tin và sẽ thông báo trong thời gian gần nhất. Theo đó, thông tin cụ thể sẽ còn phải chờ thêm vài ngày tới đây” - ông Nguyễn Trường Giang cho biết.

Theo đại diện Phòng Nhật Bản - Châu Âu và Đông Nam Á, khu vực nhiễm phóng xạ của tỉnh Fukushima thuộc danh mục các địa điểm bị cấm đưa lao động đi làm việc, điều này đã được nêu tại Nghị định số 126/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

“Khu vực nhiễm xạ đã được phía Nhật Bản khoang vùng cùng với quy định của Luật Việt Nam cấm đưa lao động tới làm việc là căn cứ để không ai có thể được phép đưa lao động tới. Đồng thời, các hợp đồng đưa lao động đi làm việc cũng không cho phép vào làm việc tại đó” - ông Giang cho biết.

Do vậy, ông Nguyễn Trường Giang cho rằng cần phải tìm hiểu lại thông tin về trường hợp trên có chính xác hay không.

Cũng theo đại diện Phòng Nhật Bản - Châu Âu và Đông Nam Á, hôm 8/3, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành Công văn gửi các doanh nghiệp XKLĐ đưa thực tập sinh sang Nhật Bản.

Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương liên hệ và rà soát với các nghiệp đoàn tiếp nhận để tìm hiểu thông tin vụ việc nêu trên.

Cục Quản lý lao động cũng nêu rõ, trường hợp nếu có thực tập sinh được đưa vào khu vực cấm nêu ở trên, doanh nghiệp phải báo cáo Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản để hỗ trợ bảo hộ quyền lợi thực tập sinh, đồng thời khẩn trương cử cán bộ sang Nhật Bản để giải quyết vụ việc.

Cũng trong công văn, Cục nghiêm cấm doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại các khu vực bị nhiễm xạ, nhiễm độc theo quy định của Nghị định 126/2007/NĐ-CP.

Được biết, cả nước có gần 250 doanh nghiệp đang triển khai đưa thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản. Năm 2017, Việt Nam đưa hơn 54.000 thực tập sinh sang Nhật Bản.

Hoàng Mạnh