1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Thanh Hóa:

Dân làm tour du lịch chật vật "xoay nghề" trong bão dịch Covid-19

Bình Minh

(Dân trí) - Thanh Hóa có gần 100 hướng dẫn viên du lịch. Nhưng sau 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết anh chị em đã xoay sang các nghề khác như shipper, bán hàng online, môi giới bất động sản… để mưu sinh.

Nhân viên đồng loạt bỏ việc

Hơn 15 năm hoạt động trong lĩnh vực du lịch, anh Vũ Văn Bình, giám đốc một doanh nghiệp lữ hành ở Thanh Hóa, chưa bao giờ lại nhận thấy công ty rơi vào tình trạng khó khăn như bây giờ.

Công ty của anh Vũ Văn Bình có 4 chi nhánh ở các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Nội, Quảng Ninh. Sau 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, nhân viên của anh đã nghỉ việc gần hết.

Nếu như bình thường, anh có 15 nhân viên. Nhưng giờ chỉ còn 4 người đang cố gắng cầm cự. Để doanh nghiệp có thể tồn tại, anh Vũ Văn Bình đảm nhiệm luôn việc của nhân viên sale, dẫn tour...

Dân làm tour du lịch chật vật xoay nghề trong bão dịch Covid-19 - 1

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khu du lịch Pù Luông (Thanh Hóa) trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết.

Hơn thế, anh Vũ Văn Bình còn xoay qua lĩnh vực khác là mở xưởng in ấn. Nhân viên của anh sẽ chuyển sang làm thị trường cho mảng in ấn.

Những năm chưa có dịch, doanh thu bán vé máy bay của công ty anh Vũ Văn Bình lên đến hơn 200 triệu đồng/ngày. Trước 30/4, doanh thu còn "nhúc nhắc" 60 triệu đồng/ngày. Nhưng đến giờ, mọi thứ gần như "đóng băng".

Không chỉ lo xoay chuyển nghề, anh Vũ Văn Bình còn tính việc đàm phán, hoãn tour, tìm phương án giảm thiệt hại thấp nhất cho khách.  

"Không riêng gì công ty của tôi, hầu hết các doanh nghiệp lữ hành khác đều có tình trạng nhân viên chuyển nghề. Quá nhiều nhân lực lao động ngành du lịch phải đi kiếm việc làm khác để mưu sinh. Chuỗi cung ứng, các đầu mối liên kết du lịch bị đứt gãy cả trong và ngoài nước, chúng tôi chỉ còn biết chờ đợi…", anh Vũ Văn Bình tâm sự.

Xoay đủ nghề mưu sinh

Cũng gặp khó do Covid-19, anh Nguyễn Văn Giáp (thành phố Thanh Hóa) với thâm niên gần 20 năm trong nghề làm hướng dẫn du lịch, đã phải chấp nhận "gác kiếm" về bán cà phê.

Thời điểm còn làm hướng dẫn viên du lịch, thu nhập của anh khoảng hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Còn bây giờ để kiếm 4-5 triệu đồng/tháng với anh cũng khó khăn.

Dân làm tour du lịch chật vật xoay nghề trong bão dịch Covid-19 - 2

Anh Lê Sỹ Tâm (bìa trái) cho biết trước đây, tháng nào anh cũng kín lịch còn bây giờ không biết khi nào mới có việc.

Anh Nguyễn Văn Giáp cho biết: "Không riêng gì mình phải bỏ nghề. Nhiều đồng nghiệp phải xoay xở bằng nhiều nghề để mưu sinh như chạy xe ôm, chạy taxi, bán bảo hiểm, môi giới bất động sản… Thậm chí, có người chuyển sang làm nhà hàng, khách sạn không được bao lâu cũng mất việc vì ảnh hưởng do dịch. Nhiều người phải bắt đầu từ con số 0 với một nghề khác".

Cũng theo anh Nguyễn Văn Giáp, hướng dẫn viên du lịch hầu hết là hoạt động tự do, cộng tác cho các công ty du lịch nên không có lương cố định hàng tháng. Họ thu nhập theo ngày, khi không có tour dẫn đồng nghĩa với thất nghiệp.

Theo anh Lê Sỹ Tâm, trên địa bàn Thanh Hóa có khoảng gần 100 hướng dẫn viên nhưng hiện đã chuyển sang nghề khác gần hết, chỉ còn không đầy 20 người đang cố bám nghề. Bản thân anh hiện cũng làm công việc bán hàng online và shipper giúp vợ để có tiền trang trải.

Theo anh Lê Sỹ Tâm, Phó Chủ nhiệm một câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn Thanh Hóa, nếu không xảy ra dịch bệnh, nghề hướng dẫn viên chỉ bớt chút ít việc vào 3 tháng cuối năm.

Với người có nhiều kinh nghiệm và lành nghề như anh, công việc cũng như thu nhập ổn định khoảng 15-20 triệu đồng/ tháng. Đặc biệt, vào thời điểm hè, anh Lê Sỹ Tâm kín lịch với thu nhập lên đến 25-30 triệu đồng/tháng.

Vậy nhưng, dịch Covid-19 kéo đến, công việc của anh cùng đồng nghiệp bắt đầu lao đao. Đợt dịch đầu tiên diễn ra, anh Lê Sỹ Tâm tranh thủ làm MC cho các sự kiện, đám cưới. Đến nay, dịch cũng khiến anh không thể tiếp tục công việc này.

"Tôi giúp vợ đi ship hàng cho khách mua online. Thu nhập từ công việc này không đáng bao nhiêu, trong khi đó rất nhiều thứ phải chi phí khiến cuộc sống khá chật vật. Trước 30/4, tưởng dịch tạm ổn, công việc đang dần trở lại thì lại bị dập tắt, mọi hy vọng đến giờ với chúng tôi gần như sụp đổ", anh Lê Sỹ Tâm bộc bạch.

Đồng thời, anh cũng mong dịch nhanh chóng qua đi để quay trở lại đi làm, mong đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và công ty lữ hành được hỗ trợ phần nào để san sẻ sự khó khăn đối với nghề bị thiệt hại nặng nề này.