Hà Nội: Thợ làm tóc tất bật "múa kéo" trước giờ cấm hoạt động
(Dân trí) - Trước khi tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch bệnh, nhiều thợ cắt tóc ở Hà Nội đã tất bật phục vụ lượng khách đông hơn ngày thường, thu nhập vì thế cũng tăng theo.
Tất bật trước... giờ G
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Hoàng Long - chủ cửa hàng cắt tóc trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội) - cho biết: "Sau khi biết được thông tin dừng hoạt động một số dịch vụ trong đó có cắt tóc, tôi dự đoán sáng nay khách sẽ đông. Do vậy cửa hàng được mở từ 7h thay vì 8h như mọi khi".
Gần 11h, anh Nguyễn Hoàng Long không nhận thêm khách mới để phục vụ nốt khách hàng chưa đến lượt, cố gắng xong trước 12h. Trong buổi sáng ngày 25/5, cửa hàng của anh đã phục vụ cho khoảng 30 khách hàng.
Theo anh Nguyễn Hoàng Long, khách hôm nay khác với mọi hôm vì đa số là nam giới, đến chủ yếu để cắt tóc. Những dịch vụ khác như nhuộm, uốn, hay chăm sóc tóc... đều không được khách hàng lựa chọn.
"Từ tối qua, tôi không nhận lịch làm tóc của khách nữa, ai đến sớm trước thì được làm trước. Sáng nay, sau khi trừ chi phí, tôi đã thu lãi hơn 1 triệu đồng. Mặc dù bận rộn vì đông khách nhưng vẫn phải cẩn thận từng đường kéo mới có thể giữ được khách quen" - anh Nguyễn Hoàng Long cho hay.
Chia sẻ về nhu cầu cắt tóc trước lệnh dừng hoạt động dịch vụ này, anh Nguyễn Hoàng Long cho rằng dịch bệnh lần này có những diễn biến phức tạp, thời gian dừng hoạt động dịch vụ này có thể sẽ kéo dài nên nhiều người tranh thủ đi cắt tóc cho gọn gàng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Cũng đang phục vụ cho những vị khách cuối cùng trước khi dừng hoạt động, anh Lê Thanh Tuấn, thợ làm tóc trên phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội), cho biết: "Sáng nay, khi mở hàng, tôi đã nhận được thông tin từ công an phường về việc Hà Nội tạm dừng hoạt động. Do vậy, tôi chỉ nhận khách là nam giới vì làm tóc cho phụ nữ sẽ không đủ thời gian trong buổi sáng".
Anh Lê Thanh Tuấn cho rằng, chủ trương của UBND TP Hà Nội là hoàn toàn đúng đắn trong tình hình Covid-19 đang lây lan mạnh trong cộng đồng. Mặc dù việc dừng hoạt động khiến thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng vì sức khỏe của bản thân và xã hội, anh Lê Thanh Tuấn đồng lòng ủng hộ.
"Tôi dự định chiều nay sẽ dọn dẹp hàng quán rồi sáng sớm mai sẽ về quê nhà Ba Vì để nghỉ ngơi và phụ giúp bố mẹ làm nông nghiệp. Hy vọng rằng, dịch bệnh sớm qua đi để tôi và những đồng nghiệp quay trở lại với công việc" - anh Lê Thanh Tuấn chia sẻ.
Hết dịch mới hết khó
Tại Khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội), cửa hàng cắt tóc của anh Trần Văn Sông cũng tấp nập khách ra vào từ sáng sớm. Thay vì cảnh vắng vẻ như mấy hôm trước, hôm nay, nhiều người tìm đến cửa hàng của anh để có được bộ tóc mới trước khi dịch vụ này bị tạm dừng.
Anh Trần Văn Sông cho biết: "Cắt nốt tóc cho vị khách này là tôi nghỉ. Nắm được thông tin từ tối hôm qua, nên nhiều khách quen đặt lịch từ sớm".
Anh Trần Văn Sông đã nhờ em trai ra để phụ giúp vì khách đông. Theo anh, khách ngày hôm nay tăng gấp đôi so với ngày thường. Tuy nhiên, khách hàng chỉ lựa chọn dịch vụ cắt mà không đi kèm những dịch vụ chăm sóc khác nên thu nhập cũng không tăng cao.
Những ngày tới, anh Trần Văn Sông sẽ kinh doanh một số nguyên liệu chăm sóc tóc qua mạng xã hội để có nguồn thu nhập.
"Ở đợt dịch đầu năm 2020, dịch vụ làm tóc cũng bị tạm dừng, tôi đã bán online những nguyên liệu để chăm sóc tóc tại nhà và được rất nhiều người mua. Mỗi ngày, tôi cũng có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng từ công việc này. Chiều nay, tôi sẽ đi nhập hàng để mai bắt đầu bán" - anh Trần Văn Sông cho hay.
Theo anh Trần Văn Sông, để cuộc sống của những người làm nghề cắt tóc trở lại bình thường, điều quan trọng nhất chính là dịch bệnh cần được khống chế. Khi kinh tế hồi phục, sức khỏe của nhân viên và khách hàng được đảm bảo, nghề dịch vụ làm tóc mới có thể hết khó khăn.