1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đà Nẵng:

"Điệp khúc" thất nghiệp, người lao động ngóng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng

Nguyễn Tri

(Dân trí) - Công việc thường xuyên bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vì vậy nhiều người lao động rất mong gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ được giải ngân sớm.

"Điệp khúc" thất nghiệp

Hơn 2 tháng nay, chị Đỗ Thị Kim Diệu (25 tuổi, giáo viên Trường Mầm non Búp Sen Xanh, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) chỉ quanh quẩn ở nhà, phụ giúp gia đình. Các trường học đều đóng cửa vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Những giáo viên như chị Đỗ Thị Kim Diệu rơi vào cảnh thất nghiệp tạm thời.

Từ  khi dịch bùng phát đầu năm 2020 tới nay, chị cũng đã quen với việc cứ dạy được mấy tháng lại phải nghỉ đến trường để phòng dịch. Là giáo viên trường tư thục, trường đóng cửa, giáo viên nghỉ dạy đồng nghĩa với việc không có thu nhập.

"Em còn may vì nhà Đà Nẵng, dựa nhờ vào bố mẹ lúc khó khăn. Em cũng tính kiếm việc khác để làm nhưng ba mẹ lo dịch bệnh, bảo trước mắt cứ nghỉ đã. Nhưng nhiều đồng nghiệp trong trường phải chuyển hướng sang làm việc khác, kiếm tiền trang trải cuộc sống", chị Đỗ Thị Kim Diệu kể.

Không được may mắn như chị Đỗ Thị Kim Diệu, ngay từ lúc trường thông báo dừng dạy học, các đồng nghiệp của cô đến từ Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi… nhanh chóng thanh lý đồ đạc, trả phòng trọ về quê.

Điệp khúc thất nghiệp, người lao động ngóng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng - 1

Hơn 2 năm nay, Đỗ Thị Kim Diệu cũng đã quen với việc cứ dạy được mấy tháng lại phải nghỉ dịch (Ảnh: NVCC).

"Giờ ở lại, mỗi tháng họ cũng mất ít nhất một triệu đồng tiền trọ, chưa kể sinh hoạt phí và các khoản chi khác, trong khi không có thu nhập. Nhiều người chọn về quê đợi đến khi dịch bệnh tạm ổn, trường được phép dạy học mới trở lại Đà Nẵng", chị Đỗ Thị Kim Diệu nói.

Giữa tháng 6, dịch bệnh ở Đà Nẵng đã được ổn định, chị Đỗ Thị Kim Diệu nghe thông tin sẽ cho phép các trường dạy học trở lại. Chị và đồng nghiệp còn chưa kịp mừng thì thành phố ghi nhận ca nhiễm mới.

"Thế rồi lại phong tỏa, lại tạm dừng. Giờ cứ nghe đến ca bệnh là tụi em lại thấy ám ảnh. Không biết điệp khúc thất nghiệp này còn lặp lại bao lâu nữa", chị Đỗ Thị Kim Diệu rầu rĩ tâm sự.

Là hướng dẫn viên du lịch tiếng Hoa được 6 năm, chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (29 tuổi, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) từng có mức thu nhập đáng mơ ước. Nhưng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, số khách quốc tế đến Đà Nẵng về 0, chị thất nghiệp.

Thời gian đầu, chị Nguyễn Thị Lệ Huyền rơi vào bế tắc. Từ một người năng động, liên tục vắng nhà dẫn tour, chị chỉ quanh quẩn quanh 4 góc nhà. Nhờ thành thạo tiếng Hoa, chị chuyển hướng sang dạy tiếng Hoa online để trang trải cuộc sống.

Điệp khúc thất nghiệp, người lao động ngóng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng - 2

Từ hướng dẫn viên du lịch tiếng Hoa, chị Nguyễn Thị Lệ Huyền (thứ 3, từ trái sang) chuyển hướng sang dạy tiếng Hoa online để trang trải cuộc sống (Ảnh: NVCC).

"Tất nhiên, dạy học thu nhập không thể bằng nghề hướng dẫn viên nhưng nó giúp tôi cầm cự qua đại dịch. Cũng được sử dụng tiếng thường xuyên để không "lụi" nghề", chị Nguyễn Thị Lệ Huyền nói.

Đa số đồng nghiệp của chị Nguyễn Thị Lệ Huyền cũng đều phải kiếm việc làm tạm để kiếm sống. Người may mắn thì kiếm được công việc ổn định dù thu nhập không cao. Những người khác thì làm những công việc bấp bênh hơn như chạy grab, bán đồ ăn qua mạng, kinh doanh online…

"Ngóng" gói hỗ trợ từ Chính phủ

Những ngày này, đọc báo, xem tivi, cả chị Đỗ Thị Kim Diệu và Nguyễn Thị Lệ Huyền đều liên tục nghe những thông tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ từ Chính phủ dành cho người lao động thất nghiệp do ảnh hưởng của đại dịch.

Các quy định để hưởng hỗ trợ được "nới lỏng" tiếp thêm cho những lao động thất nghiệp như các chị hy vọng, rằng họ sẽ thực sự tiếp cận được gói hỗ trợ mới của Chính phủ.

"Theo những thông tin tôi tìm hiểu được, hướng dẫn viên du lịch muốn nhận được tiền hỗ trợ chỉ cần có thẻ hướng dẫn viên và thẻ hội viên. Điều này hợp lý hơn rất nhiều so với yêu cầu hợp đồng lao động như các gói trước", chị Nguyễn Thị Lệ Huyền chia sẻ.

Điệp khúc thất nghiệp, người lao động ngóng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng - 3

Chị Nguyễn Thị Lệ Huyền trong một chuyến đưa khách đi du lịch (Ảnh: NVCC).

Bản thân chị Nguyễn Thị Lệ Huyền đã có thâm niên nhưng cũng không có hợp đồng. Bởi vậy, trước đây, đa phần hướng dẫn viên khó tiếp cận được với các gói hỗ trợ.

"Hướng dẫn viên du lịch đều làm thời vụ, chúng tôi cũng thoải mái hơn khi lao động tự do như vậy có thể cộng tác cho nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch. Hợp đồng lâu năm thì chỉ có các công ty nhà nước mới có", chị lý giải.

Lúc khó khăn này, đối với Huyền, khoản hỗ trợ có ý nghĩa rất lớn, khiến chị Nguyễn Thị Lệ Huyền thấy "ấm lòng", giúp trang trải cuộc sống, nhất là khi gia đình cô sắp đón thêm một thành viên mới.

Trong mùa dịch, các dịch vụ du lịch trong TP Đà Nẵng gần như bị "đóng băng". Những khu phố biển, phố Hàn, phố Trung… sầm uất nay vắng tanh. Hàng chục nghìn lao động bị ngừng việc, nghỉ việc và mất việc.

Phần lớn các doanh nghiệp chủ yếu giữ lại các nhân sự cốt cán, có chuyên môn, nghiệp vụ để tiếp tục vận hành. Nhiều người lao động suốt một thời gian dài không có việc làm, một phần trở về quê, phần khác chuyển nghề, chấp nhận những công việc thời vụ để trang trải.

Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch TP Đà Nẵng, qua khảo sát gần nhất của Quỹ Xúc tiến phát triển Du lịch TP Đà Nẵng, tổng số lao động trực tiếp trong ngành du lịch là khoảng 56 nghìn người, trong đó, khoảng 80% (tức là trên 40 nghìn người lao động) bị ngừng việc, mất việc.

"Rất hy vọng người lao động có thể sớm tiếp cận được với khoản tiền hỗ trợ để có thể tiếp tục duy trì cho đến khi tình hình dịch bệnh ổn định. Lần này, Chính phủ rất quyết liệt, hy vọng các ban, ngành liên quan sẽ triển khai, hỗ trợ tối đa để người lao động tiếp cận", ông Cao Trí Dũng bày tỏ.