Đàm phán lương tối thiểu 2019: Lương và BHXH của 10 triệu lao động sẽ tăng?

(Dân trí) - Mức lương tối thiểu của khoảng 10 triệu người lao động sẽ được quyết định ở phiên đàm phán hôm 9/7? Câu hỏi mở càng trở nên hấp dẫn bởi khác với năm trước, tới nay các bên vẫn giữ kín đề xuất. Tuy nhiên không khó để dự đoán các đề xuất tăng lương tối thiểu.


Lương tối thiểu năm 2018 được tăng thêm so với mức của năm 2017 từ 180.000 - 230.000 đồng, tại 4 vùng lương.

Lương tối thiểu năm 2018 được tăng thêm so với mức của năm 2017 từ 180.000 - 230.000 đồng, tại 4 vùng lương.

Theo Bản tin khảo sát thị trường lao động của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước có khoảng 10 triệu lao động trong khu vực có quan hệ lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội và chịu tác động trực tiếp của lương tối thiểu vùng.

Do đó, việc điều chỉnh trên sẽ giúp tăng trần lương tối thiểu và tăng quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội.

Tổng LĐLĐ VN: Sẽ dựa vào mốc năm 2020

Trao đổi với PV Dân trí sáng 5/7, một chuyên gia của Tổng LĐLĐ VN cho biết, Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã nêu rõ: Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu.

Cụ thể, việc thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

“Quy định trên sẽ là căn cứ để Tổng LĐLĐ VN xây dựng mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ nay tới năm 2020. Điều này cũng khẳng định, lương tối thiểu hiện chưa đáp ứng mức sống tối thiểu” - chuyên gia của Tổng LĐLĐ VN cho biết.

Từ năm 2012, theo quy định của Luật Lao động, Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập và có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu tới Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm. Thành phần Hội đồng tiền lương Quốc gia gồm: Đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Liên minh Hợp tác xã VN…

Tuy nhiên quy định trên cũng sẽ giới hạn “trần” của tăng lương tối thiểu.

Theo Tổng LĐLĐ VN, lương tối thiểu năm 2018 đã tăng thêm 6,5% so với mức lương của năm 2017 (tương đương từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương). Điều này đã đưa mức lương tối thiểu hiện tại đáp ứng khoảng 90-92 % mức sống tối thiểu.

Do đó, việc đề xuất mức tăng sẽ bị giới hạn trần cho khoảng 8-12 % trong giai đoạn 2019-2020, tính cả bù trù trượt giá và các yếu tố thay đổi khác theo năm, để đáp ứng về mặt lý thuyết: Lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu.

Như vậy, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 của Tổng LĐLĐ VN khả năng sẽ từ 7-8% để nhằm sớm “tất toán” càng nhanh càng tốt khoảng cách trên.

VCCI: Kinh tế đi lên, nhưng cần “giữ sức” cho DN

Theo dự đoán, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) sẽ có nhiều phương án điều chỉnh lương tối thiểu, căn cứ theo tình hình thực tế của đàm phán.

Trao đổi với PV Dân trí hôm 5/7, một thành viên của VCCI từng tham vòng đàm phán bày tỏ quan điểm cá nhân về phương án đề xuất trong phiên đàm phán hôm 9/7: “Khả năng sẽ không đề xuất tăng lương tối thiểu năm 2019”.

“Mức tăng GDP 6 tháng qua cho phép chúng ta có những nền tảng để xây dựng mức tăng lương tối thiểu chứ không thể đứng yên được” - một chuyên gia của Tổng LĐLĐ VN cho biết.

Đây cũng là điều không mới. Bởi phiên đàm phán tăng lương tối thiểu năm 2018 (diễn ra tháng 7/2017), đại diện VCCI ban đầu cũng tính toán kịch bản chưa tăng lương như một chiến lược đàm phán.

Dẫu vậy, tình hình kinh tế - xã hội của năm 2018 có nhiều thuận lợi hơn năm 2017. Khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%). Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây.

Trả lời câu hỏi về việc chỉ số GDP 6 tháng tăng liệu có thể là cơ sở để tăng lương tối thiểu, vị thành viên nêu trên cho rằng: “Dù kinh tế có khởi sắc nhưng doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều “dư địa” để ổn định, cạnh tranh và tham gia các sân chơi lớn hơn”.

Với chiến lược "khép kín" ban đầu như trên, VCCI sẽ có một “khoảng cách” điều chỉnh linh hoạt, tùy vào tình hình cụ thể của đàm phán.

Các chuyên gia: Tăng tối đa 6 %

Trong một diễn biến khác của mùa đàm phán lương tối thiểu 2019, nhiều chuyên gia về lao động tiền lương đã chia sẻ với PV Dân trí về quan điểm điều chỉnh.

Ông Phạm Minh Huân - Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ cần tính tới nhiều yếu tố khách quan.

“Các bên đàm phán sẽ chịu ảnh hưởng của những yếu tố liên quan, như: Nhu cầu sống tối thiểu, chỉ số giá cả, điều kiện kinh tế xã hội, chỉ số GDP, năng suất lao động, sức chịu đựng của doanh nghiệp…” - ông Phạm Minh Huân giải thích.

“Với các chỉ số kinh tế xã hội như hiện nay, mức tăng có thể ở 5 hoặc 6 %. Điều này giúp tăng thêm thu nhập của người lao động, phần nào yên tâm làm việc và tạo ra sản phẩm” - ông Phạm Minh Huân nói.

Nhận định về sự điều chỉnh lương tối thiểu 2019, ông Phạm Minh Huân cho rằng sự điều chỉnh theo hướng tăng là điều tất yếu, khả năng ở mức 5-6 % so với mức lương tối thiểu năm 2018.

Đồng quan điểm với Nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) - cho rằng mức tăng cũng nên duy trì từ 5-6 %. “Về nguyên lý, tốc độ tăng lương tối thiểu chỉ bằng 70 % mức tăng của năng suất lao động. Do đó, nếu như GDP của năm 2019 tăng 6,5-7%, mức độ tăng lương tối thiểu có thể chỉ trong vòng 5-6 %” - vị Nguyên thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia phân tích.

Nhằm đảm bảo ý nghĩa đích thực của lương tối thiểu, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng cần có giải pháp để hạn chế việc tăng lương tối thiểu đang theo hướng "cào bằng" như hiện nay. Việc tăng lương tối thiểu cần quay về ý nghĩa ban đầu nhằm Vđảm bảo “mức sàn” thấp nhất.

“Những tưởng việc tăng lương tối thiểu chỉ dành cho những lao động không có chuyên môn kỹ thuật, thì nay lại tăng cho tất cả lao động. Như vậy, những người có hệ số lương càng cao, vị trí càng cao thì càng có lợi” - bà Nguyễn Thị Lan Hương chỉ ra sự bất hợp lý.

Đáp án của tăng lương tối thiểu năm 2019 vẫn là câu hỏi mở tới thời điểm này. Nhưng qua những nhiều tín hiệu ban đầu, chúng ta có thể hình dung phần nào diễn biến kịch bản đàm phán tăng lương.

Còn cụ thể, xin chờ xem diễn biến tiếp theo của phiên đàm phán lần thứ nhất vào ngày 9/7.


Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018, so với năm 2017, tương đương với việc tăng từ từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018, so với năm 2017, tương đương với việc tăng từ từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

Hoàng Mạnh