Đàm phán lương tối thiểu 2019: Chiều 9/7, màn dạo đầu hay kết thúc?

(Dân trí) - Chiều nay (9/7), tại Hà Nội, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp Phiên đầu tiên về lương tối thiểu vùng năm 2019. Liệu sẽ có đáp án hay chỉ là “màn dạo đầu”?. Câu hỏi để mở vì đề xuất giữa các bên xa nhau, sự khác biệt về đánh giá mức sống tối thiểu…

Khoảng cách các đề xuất: 8 %

Tới sáng 9/7, Tổng LĐLĐ VN đã có những điều chỉnh về mức đề xuất. Thay vì chỉ đưa ra đề xuất mức tăng trong phiên đàm phán - như dự kiến trước đó - đại diện đàm phán của Tổng LĐLĐ VN đã lên tiếng.

Qua báo chí, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN đã bày tỏ quan điểm về mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 từ 7,5-8 % so với mức lương tối thiểu vùng năm 2018.

Đề xuất của Tổng LĐLĐ VN dựa trên những khảo sát mới nhất về đời sống người lao động sau khi áp dụng Nghị định 141/2017/NĐ-CP về thực hiện mức lương tối thiểu năm 2018.


Năm 2017, Hội đồng tiền lương quốc gia đã đề xuất lương tối thiểu 2018 tăng 6,5 % (tương đương với tương đương từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương).

Năm 2017, Hội đồng tiền lương quốc gia đã đề xuất lương tối thiểu 2018 tăng 6,5 % (tương đương với tương đương từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương).

Theo đó, tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85 % tổng thu nhập của người lao động, đa số người lao động được hỏi đều đánh giá thu nhập cơ bản chỉ đáp ứng được chi phí hàng ngày, cuộc sống còn khó khăn và chưa thực hiên được nhiều tích luỹ.

Từ năm 2012, theo quy định của Luật Lao động, Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập và có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu tới Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm. Thành phần Hội đồng tiền lương Quốc gia gồm: Đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng LĐLĐ VN, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Liên minh Hợp tác xã VN…

So với nhận định của các chuyên gia trong tháng trước, mức đề xuất tăng 7,5-8% đang ở vị trí cao nhất. Trước đó, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, dự đoán mức tăng sẽ là 5-6 %. Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội, cũng cho rằng mức tăng tối đa 6 % có lẽ là phù hợp.

Gần đây nhất, hôm 6/7, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - đưa ra nhận định về biên độ mức tăng từ 6-7%.

“Mức tăng lương tối thiểu cao hay thấp cần phải tính toán để bảo đảm hài hoà lợi ích giữa các bên, vừa bảo đảm cải thiện đời sống của người lao động và duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chống thất nghiệp và thiếu việc làm” - ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Trong khi đó, thông tin về đề xuất của Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) dường như vẫn như những ngày trước đây: “Chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2019”.

Dù có thể thay đổi trong đàm phán, nhưng thông tin có tính chiến thuật ban đầu của VCCI như trên sẽ tạo ra một biên độ rộng giữa các đề xuất: Tới thời điểm sáng 9/7, đề xuất của VCCI (tạm thời) là con số 0 và Tổng LĐLĐ VN (tạm thời) là 7,5-8%.

Khoảng cách khá xa nhau giữa các đề xuất sẽ tạo ra nhiều tranh luận để tìm ra giải pháp chung cho phiên đàm phán.

Căn cứ tính mức sống tối thiểu

Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, mức đề xuất tăng lương tối thiểu 2019 sẽ dựa nhiều vào tình hình kinh tế xã hội, điều kiện chi trả của doanh nghiệp, chỉ số GDP và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), mặt bằng tiền công hiện tại…

Bên cạnh đó, việc xác định mức sống tối thiểu sẽ là một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng tới mức lương tối thiểu.

Điều này được xác định bởi căn cứ từ Nghị quyết số 27-NQ/TW mới được ban hành về nội dung cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Cần đảm bảo ý nghĩ lương tối thiểu chỉ "mức sàn" thấp nhất

Đề cập tới việc điều chỉnh lương tối thiểu, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng việc tăng lương tối thiểu đang theo hướng "cào bằng". “Những tưởng việc tăng lương tối thiểu chỉ dành cho những lao động không có chuyên môn kỹ thuật, thì nay lại tăng cho tất cả lao động. Như vậy, những người có hệ số lương càng cao, vị trí càng cao thì càng có lợi” - bà Nguyễn Thị Lan Hương chỉ ra sự bất hợp lý.

Theo đó, việc thực hiện điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Trên cơ sở này, việc xác định ở thời điểm đàm phán, mức lương tối thiểu đang đáp ứng được 90, 93 hay 95 % v.v...mức sống thiểu, trên cơ sở đó mới có thể tính thêm mức bù trù phù hợp để đạt mục tiêu trên.

Theo quan điểm của Tổng LĐLĐ VN, mức lương tối thiểu 2018 đã đáp ứng được 90-92 % mức sống tối thiểu hiện tại.

Được biết Tổng LĐLĐ VN, VCCI, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đều có quan điểm riêng và cách tính về mức sống tối thiểu, dựa trên đánh giá nhu cầu tối thiểu về lương thực, thực phẩm, phi lương thực, thực phẩm như: Ăn, ở, học hành, vui chơi, giải trí, chữa bệnh và các nhu cầu khác không thuộc về nhu cầu lương thực, thực phẩm…

Tuy nhiên để có sự tương đồng giữa các bên về một con số, qua đó phản ánh mức sống tối thiểu sẽ là điều cần tranh luận trong các phiên đàm phán tới đây.

Cũng lên quan tới việc xác định mức sống tối thiểu, ông Bùi Sỹ Lợi cũng thừa nhận, mức sống tối thiểu là một khái niệm rất rộng, luôn thay đổi và có nhiều yếu tố nội hàm.

“Muốn có sự đồng thuận giữa các bên về xác định mức sống tối thiểu, tôi cho rằng cần có một cơ quan độc lập tính toán dựa trên cơ sở khoa học. Từ đó, kết quả công bố sẽ được dùng làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia quyết định thì phù hợp hơn” - ông Bùi Sỹ Lợi cho biết.


Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018, so với năm 2017, tương đương với việc tăng từ từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

Mức tăng lương tối thiểu của năm 2018, so với năm 2017, tương đương với việc tăng từ từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

Hoàng Mạnh