1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đại biểu Quốc hội đề nghị "nâng trần" làm thêm lên 400 giờ/năm

Quang Phong

(Dân trí) - Đại biểu Phạm Văn Thịnh cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần giờ làm thêm lên 400 giờ/năm. Đề nghị này giúp doanh nghiệp có thể sản xuất kịp đơn hàng cho đối tác.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho biết, qua tiếp xúc cử tri trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần giờ làm thêm lên 400 giờ/năm. Đề nghị này để giúp doanh nghiệp có thể sản xuất kịp đơn hàng cho đối tác, ổn định chuỗi cung ứng toàn cần, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động.

"Các doanh nghiệp thiết tha mong muốn Chính phủ, Quốc hội có văn bản sớm về việc này. Nếu không, doanh nghiệp rất lo lắng về việc sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị đình chỉ sản xuất", đại biểu đoàn Bắc Giang nói thêm.

Đại biểu Quốc hội đề nghị nâng trần làm thêm lên 400 giờ/năm - 1

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) nêu đề nghị nâng mức trần giờ làm thêm lên 400 giờ/năm.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đề nghị tập trung vào kết nối lại nhu cầu doanh nghiệp và người lao động. Công đoàn các cấp, các cơ quan, xí nghiệp cần tạo lập các nhóm tương trợ để hỗ trợ người lao động chăm sóc con cái khi trường học chưa được trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động.

Đại biểu đoàn Quảng Bình cũng đề nghị tăng nguồn vốn, giải quyết việc làm cho các ngân hàng, ưu tiên các ngành nghề giải quyết nhiều lao động để từ đó hỗ trợ kịp thời cho người lao động có ý định bám trụ tại quê nhà.

Theo đại biểu Tâm, thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang còn lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long), đợt dịch Covid-19 lần thứ tư đã tác động đến mọi lĩnh vực làm đảo lộn cuộc sống. Từng dòng người liên tiếp rời TPHCM và các tỉnh lân cận về quê trong thời gian vừa qua là thực tế phản ánh quy luật, tâm lý tất yếu của con người trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Theo đại biểu đoàn Vĩnh Long, chính sự di chuyển này đặt ra vấn đề lớn về nhu cầu tìm kiếm việc làm và việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của các địa phương khi kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa bền vững.

Trước những tác động của đại dịch, đại biểu Thanh đề nghị hoàn thiện thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm cho người dân tại địa phương. Cần có giải pháp trong đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để người lao động có được việc làm, phát triển cuộc sống ngay trên quê hương mình.

Đại biểu đoàn Vĩnh Long gợi ý định hướng giáo dục nghề đảm bảo cho người dân được tiếp cận với việc làm cơ bản, đẩy mạnh giáo dục trình độ cao để nâng cao năng suất, thu nhập, sẵn sàng về lao động với kỹ năng nghề gắn với thích ứng linh hoạt an toàn và hiệu quả.

Trước làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp để trở về quê hương, đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình) đề nghị Chính phủ hỗ trợ các địa phương, có phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương mà chưa sẵn sàng quay trở lại các khu công nghiệp, thành phố lớn do tâm lý e ngại bởi đại dịch diễn biến phức tạp và cũng có giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự, tránh những bất ổn về mặt xã hội.