1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đà Nẵng: Cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho hơn 600 học viên

(Dân trí) - Cơ sở xã hội Bầu Bàng (TP Đà Nẵng) đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 637 học viên. Công tác tổ chức cai nghiện được tiến hành chặt chẽ, đồng bộ.

Báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, tính đến ngày 15/5, trên địa bàn TP có 637 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, 45 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và 745 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã đưa vào cắt cơn cai nghiện ma túy cho 406 người nghiện, trong đó 243 người mới nghiện và 163 người tái nghiện. Cơ sở cũng giải quyết cho 346 người về cộng đồng.

Đà Nẵng: Cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho hơn 600 học viên - 1

Học viên tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng được kiểm tra sức khỏe (ảnh minh họa)

Công tác tổ chức cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng được tiến hành đồng bộ và chặt chẽ từ công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý, tuyên truyền phổ biến, cung cấp thông tin và thực hiện các biện pháp cách ly theo dõi sức khỏe học viên cai nghiện theo kế hoạch phòng chống dịch Covid-19…

Học viên tại cơ sở được tổ chức học văn hóa, học nghề và tham gia lao động trị liệu 4 giờ/ngày. Học viên cũng được xem tivi, đọc sách báo, gọi điện thoại cho gia đình hàng ngày, được thăm gặp gia đình mỗi tuần 1 lần…

Sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung, học viên được địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng, được chính quyền và đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cũng cho biết, tính đến ngày 15/5, toàn thành phố có 745 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú. Trong đó, có 372 người có việc làm. Tuy nhiên hầu hết là lao động phổ thông, việc làm không ổn định.

Hàng tháng, các địa phương đều tổ chức kiểm danh, kiểm diện, thực hiện xét nghiệm ma túy đột xuất đối với người có nguy cơ tái nghiện. Cuối quý, Ban chỉ đạo xã, phường cùng cán bộ đoàn thể được phân công theo dõi, giúp đỡ, giáo dục người sau cai nghiện tiến hành họp, kiểm điểm, nhận xét về quá trình phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng của người sau cai nghiện.

Theo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội phong phú, đa dạng. Hầu hết người nghiện ma túy bị phát hiện đều được tổ chức cai nghiện với những hình thức phù hợp. Thông qua việc hỗ trợ, giúp đỡ, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện đã nâng cao nhận thức về sự quan tâm của xã hội, giúp đối tượng có niềm tin vào cuộc sống, ý thức trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, từ bỏ ma túy.

Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế là người nghiện mới ma túy có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Phần lớn các đối tượng sau cai về cộng đồng thường xuyên di biến động và khó tiếp cận. Bản thân và thân nhân gia đình một số trường hợp còn tỏ ra tự ti, mặc cảm không hợp tác với chính quyền địa phương. Vấn đề hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai còn khó khăn…

Trong 6 tháng đầu năm 2020, UBND các xã, phường đã tổ chức cai nghiện tại gia đình - cộng đồng cho 56 người (2 người được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình cai nghiện, 9 người tái nghiện đưa đi cai nghiện tập trung tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng).

Hiện nay có 45 người đang cai nghiện tại gia đình, cộng đồng (trong đó có 32 người có việc làm, chiếm tỷ lệ 71,1%).

Hầu hết các địa phương đều tổ chức tương đối tốt việc lập hồ sơ, tổ chức điều trị, cắt cơn, giải độc và phân công theo dõi, kèm cặp, kiểm danh, kiểm diện, đánh giá định kỳ đối với các trường hợp sau điều trị cắt cơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa chú trọng đến công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng. Bản thân người nghiện và gia đình chưa hợp tác với chính quyền địa phương, người nghiện chưa tự giác đăng ký cai nghiện.

Khánh Hồng