“Cứu vãn” sai lầm khi phỏng vấn

(Dân trí) - Các ứng viên khi phỏng vấn thường dễ mắc sai lầm do áp lực tâm lý và thiếu hụt kỹ năng. Lắm lúc cái giá phải trả cho những sai lầm đó lại không hề nhỏ chút nào. Làm cách nào để bạn có thể “cứu vãn” được tình thế?

“Cứu vãn” sai lầm khi phỏng vấn - 1
(Ảnh minh họa)
 
Hẳn nhiên là bạn không thể nào quay ngược thời gian để “chữa cháy”. Việc “cứu vãn” sai lầm tuy không dễ dàng nhưng không phải là không thực hiện được. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn hạn chế tối đa “thiệt hại” do sai lầm mang lại:

 

Xin lỗi… không xấu mặt nào

 

"Những người phỏng vấn có thể dễ dàng bỏ qua sai lầm của ứng viên, chứ không ‘khó đăm đăm’ như những gì chúng ta thường hay nghĩ về họ," Marc Dorio, tác giả quyển sách The Complete Idiot's Guide to the Perfect Job Interview , chia sẻ. Nếu bạn mạnh dạn nhận lỗi và thốt ra những lời “tận đáy lòng” như “Xin lỗi. Hãy thông cảm/ bỏ qua cho tôi.” thì người phỏng vấn chắc chắn sẽ ấn tượng với cách hành xử chân thành của bạn, nhất là khi bạn không hề tìm cách che giấu hay viện cớ để thoái thoát sai lầm đó.

 

Dorio cũng khuyến nghị rằng ứng viên nên nói thêm những gì bạn học được từ sai lầm của mình. Chẳng hạn, bạn lỡ đến trễ so với giờ hẹn phỏng vấn, sau khi xin lỗi, bạn có thể nói thêm, “Giờ thì tôi rút ra kinh nghiệm là phải trừ hao thêm nhiều thời gian khi đi đâu vào giờ cao điểm, nhất là ngày thứ hai như thế này.”

 

Đừng “neo thuyền tại bến sai lầm”

 

Nếu vô tình bạn buột miệng dùng từ không hay hoặc lỡ “hớ hênh” chi tiết nào đó, đừng dừng lại quá lâu mà hãy nhanh chóng quay lại chủ đề chính. Theo Linda Matias, Chủ tịch trang web CareerStrides.com và tác giả quyển sách 201 Knockout Answers to Tough Interview Questions, “Ứng viên nên xin lỗi nhanh gọn và tập trung vào việc trả lời câu hỏi. Không nên giữ im lặng hoặc kiệm lời nếu không muốn sự lỡ lời của bạn bị “treo” và “soi” kỹ hơn trong buổi phỏng vấn. Nếu bạn cứ “neo thuyền” tại đó thì chỉ làm người phỏng vấn càng chú ý hơn đến sai lầm của bạn mà thôi.”

 

Theo Matias, “Nếu ứng viên lỡ lời, họ nên nói rõ lại cho đúng, chứ không nên đợi đến khi người phỏng vấn đặt lại vấn đề. Tuy nhiên, không nên ‘câu giờ’ hay ề à quá nhiều vì sai lầm này; chỉ cần nói ngắn gọn và giải thích rõ ràng là được.”

 

Bình tâm

 

Mất bình tĩnh là phản ứng thường thấy ở ứng viên khi họ nhận ra mình mắc sai lầm. Tuy nhiên, nếu giữ được tâm thế “bình chân như vại”, bạn có thể cứu nguy cho bản thân một bàn thua trông thấy.

 

Nếu đến trễ, hãy thể hiện sự tôn trọng đối với người phỏng vấn bằng cách gọi điện thoại báo tin, nói xin lỗi và trong trường hợp xấu nhất, xin một cuộc hẹn khác.

 

Nếu nhầm lẫn sản phẩm của công ty với một đối thủ cạnh tranh khác, hãy nhanh chóng xoay chuyển tình thế “Xin lỗi. Dĩ nhiên là tôi biết ABC là sản phẩm của công ty mình”, sau đó tiếp tục chia sẻ hiểu biết của bạn về thị trường.

 

Nếu bạn quên mang hồ sơ đến buổi phỏng vấn, theo John Scanlan, trợ lý giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ sinh viên tại Đại học bang Cleveland, bạn có thể “chữa cháy” như sau: “Tôi không mang theo hồ sơ và danh sách người tham khảo vì tôi muốn thể hiện thực chất những kỹ năng thực tế cũng như thành tựu mà tôi đã đạt được. Tôi sẽ bổ sung hồ sơ cụ thể và chi tiết sau.”

 

Không bao giờ là quá muộn

 

Nhận thấy sai lầm của mình “ngay tại trận” có thể làm bạn bối rối, nhưng nhiều khi mãi đến lúc rời khỏi buổi phỏng vấn, bạn mới nhận ra sai lầm – lúc đó bạn còn cảm thấy tuyệt vọng hơn.

 

Tuy nhiên, Scanlan cho rằng vẫn có thể sửa chữa sai lầm trong tình huống này, “Nếu bạn lỡ tạo ấn tượng xấu trong buổi phỏng vấn, bạn có thể vớt vát lại trong thư cảm ơn sau phỏng vấn. Đảm bảo cách bạn đặt vấn đề phải tế nhị và tích cực chứ đừng khiến nhà tuyển dụng càng thêm ‘ấn tượng’ về sai lầm của bạn.”

 

Matias khuyên rằng, “Nếu ứng viên tiếc về một sai lầm trầm trọng nào đó, bạn có thể trình bày rõ ràng lại trong thư “hậu phỏng vấn” kiểu như, ‘Tôi muốn nói rõ hơn về câu hỏi mà anh/chị đưa ra về việc…’ rồi ghi lại câu trả lời đầy đủ của bạn.”

 

Chuẩn bị trước

 

Cách tốt nhất để cứu vãn mọi sai lầm là đừng bao giờ để nó xảy ra. Muốn thế, bạn cần nghiên cứu kỹ công ty tuyển dụng để tránh bị lúng túng với các thông tin về công ty này cũng như các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Tập trả lời rõ ràng, tự tin các câu hỏi mà bạn nghĩ nhà tuyển dụng sẽ đưa ra nhằm tạo thêm tự tin cho bản thân, cũng như giúp bạn nhớ các thông tin và chi tiết cần thiết. Đừng ngại hỏi thêm về chi tiết cuộc hẹn, tên và chức danh chính xác của người phỏng vấn, cũng như quy trình liên quan, khi nhà tuyển dụng gọi cho bạn. Cố gắng chú trọng đến từng chi tiết và tỏ ra có trách nhiệ, hơn là mắc những sai lầm vốn có thể phòng tránh được.

 

Ngọc Vân

Theo MSN