1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết

Hoài Sơn

(Dân trí) - Cận Tết, các hộ trồng nấm rơm ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam đang tập trung tăng sản lượng để kịp cung ứng cho mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm.

Biến rơm rạ thành tiền

Xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) có hơn 100 hộ làm nấm. Qua từng con đường làng, hai bên đường thoáng nhìn đâu cũng thấy những trại nấm lợp bằng tấm bạc màu xanh đậm.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 1

Xã Bình Trị (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) được ví như "làng nấm" khi toàn xã có hơn 100 hộ làm.

Những ngày giáp Tết nguyên đán, nhu cầu về các mặt hàng nấm cung cấp cho thị trường tăng khá cao. Đặc biệt, nấm rơm của xã Bình Trị có hình thức đẹp, chất lượng ngon nên được thị trường rất ưa chuộng.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 2

Thời điểm này, các hộ trồng nấm rơm đang tất bật tăng sản lượng để kịp cung ứng cho thị trường trước và sau Tết.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 3

Nấm rơm của xã Bình Trị có hình thức đẹp, chất lượng nên được thị trường ưa chuộng.

Gắn bó với nghề làm nấm rơm đã hơn 5 năm, ông Trần Châu (55 tuổi, trú xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết, khoảng một tháng nay, gia đình ông đã hối hả đóng bánh rơm để vào vụ sản xuất nấm lớn nhất trong năm.

Trước đó nhiều tháng ông đã đến các xã ở huyện Thăng Bình và Quế Sơn gặp chủ ruộng để mua rơm. Trung bình một mẫu rơm giá 2 triệu, thêm 2 triệu đồng thuê nhân công phơi khô và xe vận chuyển về nhà. Số rơm đưa về, ông chất thành đống cao như quả núi trong vườn, dùng làm nấm trong cả năm.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 4

Khi bắt đầu trồng nấm, người trồng phải ngâm mình trong nước hàng giờ liền để nhúng ướt rơm.

"Năm nay tôi đã đóng 2.000 bánh rơm tương ứng với 2 mẫu rơm. Dự tính sẽ cung cấp cho thị trường hơn 2 tạ nấm, giá bán 70.000 - 200.000 đồng/kg. Nếu nấm được giá thì có thể thu về hơn 20 triệu đồng. Sau khi trừ xong chi phí nguyên liệu, phôi giống… còn lãi khoảng 6-10 triệu đồng", ông Châu chia sẻ.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 5

Việc này giúp rơm ẩm, ủ nhanh mục và là công đoạn không thể thiếu để trồng được nấm rơm.

Ông Châu cho biết thêm, nấm rơm có thời gian sinh trưởng ngắn, từ lúc ủ rơm đến thu hoạch dứt điểm kéo dài khoảng trên dưới 30 ngày. Nguồn lợi nhuận mang lại rất hấp dẫn, thu nhập gấp 2-3 lần trồng lúa.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 6

Rơm ướt được chất thành đống và ủ trong khoảng 10 ngày.

Trồng nấm rơm không hề đơn giản. Để có được cây nấm phải trải qua nhiều công đoạn như: Ủ rơm, chất, tưới nước, đóng bánh rơm và chăm sóc nấm. Khó nhất là khâu chăm sóc, vì loài nấm này rất "khó tính".

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm để "biến" thành tiền tiêu Tết

"Trời nóng thì phải tưới nước lên mái để hạ nhiệt, trời lạnh như gần Tết thì đốt than sưởi ấm chứ không nấm chết. Nên để trồng được nấm phải chịu khó, tỉ mỉ và phải liều vì có những đợt nấm ra không nhiều, gặp thị trường giá thấp thì không có lãi", ông Châu lý giải.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 7

Rơm đã đủ ngày ủ sẽ được đem đi đóng thành bánh.

Kỳ vọng vụ nấm Tết

Theo những nông dân trồng nấm, vào ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, sản phẩm nấm ở đây luôn đắt hàng. Đặc biệt là vụ Tết, mỗi năm chỉ có một lần nên người trồng nấm ai cũng tập trung chăm sóc và kỳ vọng mùa vụ thuận lợi để có được một cái Tết ấm no.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 8

Bánh rơm được bọc trong bao nilon và được ủ trong vòng 10 ngày là có thể tháo bao.

Bà Nguyễn Thị Cảnh (58 tuổi) chia sẻ, sắp đến dịp Tết Nguyên đán, đây là dịp tiêu thụ lớn nhất trong năm lại thường được giá cao nên bà con ở đây luôn chọn thời điểm cuối tháng 11 âm lịch để đóng bánh rơm.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 9

Theo người trồng nấm, ngoài thời tiết thì meo (phôi giống) là yếu tố quyết định sản lượng của nấm rơm.

Sản phẩm nấm rơm ở đây chủ yếu được cung cấp cho thị trường trong tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Nấm sau khi hái xong thương lái sẽ về tận nhà thu mua và giá cả sẽ được quyết định phụ thuộc vào thị trường và độ trúng của nấm.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 10

Nấm rơm là nông sản rất "khó tính" nên khâu chăm sóc cũng vô cùng kỹ lưỡng.

Vài tháng trước, mặt hàng này rớt giá khiến người trồng nấm ở đây thấp thỏm lo âu. Hiện tại, giá nấm rơm đã tăng lên 70.000 - 200.000/kg. Đa số các hộ sản xuất đều kỳ vọng và phấn khởi bởi nấm sinh trưởng tốt, không có dấu hiệu hư hại và cho sản lượng cao.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 11

Mỗi trại nấm đều được trang bị đồng hồ đo để kiểm soát được nhiệt độ.

"Vụ Tết này tôi đã đóng 1.500 bánh rơm, dự tính có thể thu vào 1-1,2 tạ nấm. Nếu giá nấm giữ được như hiện nay, tôi có thể thu được từ 15-20 triệu đồng. Trừ chí phí tiền rơm, tiền phôi giống, tiền công và một số khoản khác, tôi lãi khoảng 5-10 triệu đồng", bà Cảnh cho hay.

Ngoài ra, dịp này, các trại trồng nấm cũng thu hút nhiều lao động ở địa phương làm công việc "đạp bánh rơm" để kiếm thêm thu nhập những ngày cận Tết.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 12

Giá nấm rơm từ 70.000 - 200.000/kg. Trung bình, mùa Tết người trồng nấm thu về được hơn 10 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Lộc (50 tuổi), người làm công cho chủ trại nấm cho biết, vào vụ nấm Tết bà thường giúp các cơ sở đạp bánh rơm. Tiền công được trả theo số lượng bánh mà chủ trại đã ước lượng từ trước.

Cuối năm, nông dân lội nước, đạp rơm rạ thành tiền lo Tết - 13

Dịp này các trại trồng nấm cũng thu hút nhiều lao động ở địa phương làm công việc "đạp bánh rơm".

"Tiền công được trả 250.000 đồng/500 bánh nấm. Trung bình mỗi ngày tôi làm được 200.000 đồng. Vụ nấm Tết thì đạp nhiều hơn nên thu nhập cũng cao hơn nên ai cũng phấn khởi", bà Lộc nói.