1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cuộc sống trưa rau măng, tối cá suối của cán bộ rừng nơi "thâm sơn"

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Không điện, không sóng điện thoại, nước sạch… là cảnh mà nhiều nhân viên bảo vệ rừng ở huyện Krông Pa, Gia Lai trải qua, trong khi họ gánh trọng trách gian khổ, nguy hiểm.

Giữa cái nắng nơi "chảo lửa" huyện Krông Pa, Gia Lai, chúng tôi băng qua từng cánh rừng khộp, con đường gập ghềnh để đến chốt quản lý bảo vệ rừng suối Uar, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Nam Sông Ba, xã Ia Dreh, huyện Krông Pa. Để vào được chốt này, đoàn phải di chuyển hơn 2 tiếng đồng hồ bằng xe máy chuyên dụng.

Chốt quản lý bảo vệ rừng suối Uar "cô độc" giữa cánh rừng già, cách xa khu dân cư, tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk). Cánh rừng này từng là "điểm nóng" về tình trạng khai thác gỗ trái phép, phá rừng làm nương rẫy.

Gia-Lai_nhan-vien-bao-ve-rung_Pham-Hoang.JPG

Chốt bảo vệ rừng "cô độc" giữa cánh rừng già, nhân viên ở đây sống trong cảnh "nhiều không" (Ảnh: Phạm Hoàng).

Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, các nhân viên bảo vệ rừng đã dời chốt vào vùng lõi để chặn đứng mọi con đường xâm hại đến rừng. Khi di chuyển chốt BQLRPH vào vùng lõi, nhân viên bảo vệ luôn sống trong cảnh thiếu nước sạch, điện, sóng điện thoại… Cuộc sống của nhân viên nơi đây "tự cung, tự cấp", trưa ăn rau rừng, tối ăn cá suối.

Anh Nguyễn Văn Dương, Phó Trưởng BQLRPH Nam Sông Ba cùng các nhân viên đã bám trụ suốt nhiều tháng trong chốt Suối Uar. Mỗi tuần, anh em chia nhau về thăm gia đình nhưng phải đảm bảo 2/3 quân số.

Gia-Lai_nhan-vien-bao-ve-rung_Phạm-Hoang.JPG

Lực lượng bảo vệ phải tuần tra trên cánh rừng hiểm trở, đối mặt nhiều nguy hiểm (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Khu vực giáp ranh này nhiều năm về trước là điểm nóng, thường xuyên xảy ra các vụ khai thác, lấn chiếm rừng. Chúng tôi phải dời lán vào vùng lõi để chặn đứng mọi lối mòn, thuận tiện trong việc tuần tra, kiểm soát. Đổi lại, cuộc sống của anh em thiếu thốn, muốn ra xã phải mất gần 2 tiếng đồng hồ vượt rừng", anh Dương tâm sự.

Thiếu thốn đủ bề, ngay cả nước uống, sinh hoạt hàng ngày các anh đều phải lấy từ con suối Uar. Cũng vì trạm dựng giữa rừng nên những người gác rừng thường xuyên phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt; những đêm co quắp vì sương gió hay những cơn mưa rừng kéo dài hàng tháng trời.

Gia-Lai_nhan-vien-bao-ve-rung_Phạm-Hoang.JPG

Cuộc sống của nhân viên bảo vệ rừng luôn trong cảnh thiếu thốn nhưng chế độ chưa tương xứng (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ông Nay Rên, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng suối Uar, cho biết: "Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn bởi địa hình phức tạp, hiểm trở, diện tích rừng rộng lớn, trong khi trạm chưa đủ nhân lực. Mùa nắng còn đỡ, nhiều hôm trời mưa, nước ở các con suối dâng cao khiến anh em ở trạm bị "cô lập" giữa rừng cả tháng trời không thể ra ngoài. Những lúc như vậy, anh em đành phải tự túc lương thực bằng cách ra suối bắt cá hay hái rau rừng lót dạ".

Áp lực giữ rừng và trăn trở với nghề

Dù gian khổ là vậy, song bất kể ngày nắng hay đêm mưa, lực lượng bảo vệ rừng của BQLRPH Nam Sông Ba vẫn miệt mài tuần tra, kiểm soát bảo vệ từng cánh rừng trên lâm phần. Với các nhân viên bảo vệ rừng, việc ngã xe, ngã núi là chuyện bình thường nhưng điều làm họ e ngại nhất là khi phải chống chọi với "lâm tặc" hung hãn, liều lĩnh.

Gia-Lai_nhan-vien-bao-ve-rung_Phạm-Hoang.JPG

Vì chốt nằm ở vùng lõi nên đồ ăn chỉ là cá khô, rau rừng (Ảnh: Phạm Hoàng).

Thời gian qua đã có không ít trường hợp dùng súng, dao chống đối, tấn công lực lượng bảo vệ rừng. Nghiêm trọng nhất là vụ việc một cán bộ kiểm lâm ở khu vực giáp ranh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô bị trúng đạn tử vong trong lúc tuần tra rừng vào cuối năm 2023. 

Anh Ksor Kiă (SN 1985, trú tại xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) đã gần chục năm bảo vệ rừng. Thanh xuân của anh Kiă đã gắn bó với màu áo xanh của nhân viên bảo vệ rừng. Mỗi tuần, anh thường ra chợ để mua nhu yếu phẩm, lương thực đưa vào chốt.

Gia-Lai_nhan-vien-bao-ve-rung_Phạm-Hoang.JPG

Trên đường đi tuần tra, các anh dựng lán lưu động để nghỉ qua đêm (Ảnh: Phạm Hoàng).

Anh Kiă cho biết: "Ở đây địa hình khó khăn, đường tuần tra gập ghềnh, nguy hiểm. Mỗi tháng được về với gia đình vài ngày, còn lại ở tại chốt để giữ rừng. Tuy vậy, lương mỗi tháng cũng chỉ 5-7 triệu đồng. Số tiền này phần lớn là chi cho tiền xăng xe, đồ dùng cá nhân, gửi về cho gia đình chẳng còn bao nhiêu".

Không điện, không sóng điện thoại, không thể về nhà thường xuyên nên anh em ở Trạm bảo vệ rừng suối Uar đã tự tạo ra "cột sóng" riêng để có thể điện về gặp vợ, con.

Gia-Lai_nhan-vien-bao-ve-rung_Phạm-Hoang.JPG

Các chốt canh được nhân viên bảo vệ rừng dựng khắp nơi để quan sát (Ảnh: Phạm Hoàng).

"Để tìm được sóng, chúng tôi đã treo điện thoại lên độ cao vài chục mét trên cây, bật sẵn mạng, chế độ phát wifi. Như vậy, anh em tranh thủ nhìn thấy vợ con sau những buổi tuần tra, hay gọi điện về nhưng sóng cũng chập chờn", anh Kiă chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Trưởng BQLRPH Nam Sông Ba, cho biết: "Đơn vị được giao quản lý hơn 24.600ha, trong đó hơn 19.300ha rừng tự nhiên. Để bảo vệ rừng mùa khô, đơn vị đã phối hợp Hạt kiểm lâm, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm. Đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, đơn vị luôn triển khai quân số trực chiến ở các trạm, chốt… nhằm thực hiện tốt nhất công tác bảo vệ rừng".