Rừng "chảy máu" và người giữ rừng ồ ạt xin từ chức, nghỉ việc
(Dân trí) - Diện tích rừng tự nhiên giảm dần theo từng năm, trong khi đó, lực lượng giữ rừng lại ồ ạt xin nghỉ việc do không chịu nổi áp lực công việc. Nghịch lý này đang xảy ra tại Tây Nguyên.
Trong một cuộc hội thảo về bảo vệ rừng Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk diễn ra vào tháng 6/2020, số liệu báo cáo khiến nhiều người không khỏi giật mình. Diện tích rừng tự nhiên của Tây Nguyên trong năm 2019 giảm khoảng 16.000 ha, riêng tỉnh Đắk Lắk bị mất tới gần 11.400 ha rừng. Các điểm nóng về khai thác, vận chuyển gỗ trái pháp luật tập trung tại vùng biên giới, rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên.
Trong khi đó, giai đoạn 2016-2021, đã có 48 cán bộ giữ rừng tại Đắk Nông xin nghỉ việc. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại tỉnh Đắk Lắk. Địa phương này hiện mới chỉ đáp ứng 70% nhu cầu biên chế công chức kiểm lâm.
Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk thừa nhận công tác quản lý, bảo vệ rừng đang rất "nóng", áp lực nên rất nhiều người "tháo chạy", xin nghỉ việc, từ chức hay nghỉ hưu trước tuổi. Nhiều người trong số họ đã đổ mồ hôi, thậm chí đổ cả máu để giữ rừng nhưng rồi phải xin nghỉ việc dù vẫn rất yêu nghề, yêu rừng và không ngại gian nan, vất vả, hiểm nguy.
Lời tâm sự của một người có thâm niên 10 năm giữ rừng khiến tôi không khỏi bùi ngùi, xót xa. Đi đến quyết định xin nghỉ việc là không hề dễ dàng nhưng công việc áp lực, đồng lương quá thấp, trong khi anh còn bố mẹ già, có gia đình phải chăm lo. Anh sẵn sàng phiêu bạt khắp nơi, kiếm sống bằng nghề bốc vác và nhớ rừng da diết nhưng "để quay về nghề giữ rừng chắc tôi sẽ từ chối"!.
Ông Bùi Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, mức thu nhập của người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng của đơn vị chỉ khoảng 4,5-5,2 triệu đồng/tháng và không có thưởng. Hơn 5 triệu đồng mỗi tháng cho 400 ha rừng phải bảo vệ, con số này khiến nhiều người không khỏi xót xa cho những người giữ rừng, trong khi phải đối mặt với lâm tặc ngày càng tinh vi và manh động.
Nhiều người bảo vệ "lá phổi xanh Tây Nguyên" nhưng không thể bảo vệ được mái ấm của chính mình bởi những đặc thù của công việc quá khắc nghiệt này.
Và thu nhập quá thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống liệu có là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận cán bộ giữ rừng "ngó lơ", thậm chí tiếp tay cho lâm tặc? Những vụ mất rừng và mất người giữ rừng như thế này là những vụ việc cay đắng và xót xa nhất...
Yêu nghề, yêu rừng nhưng lựa chọn bỏ nghề, trong khi đó ngành Kiểm lâm "khát" nhân viên giữ rừng và đối mặt với tình trạng mất rừng do thiếu người, dự báo sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới do khó tuyển thêm người mới và ngành Lâm nghiệp của trường đại học đứng chân trên địa bàn không thu hút được sinh viên.
Thiếu người giữ rừng, tạo thêm áp lực cho lực lượng bảo vệ rừng vốn ngày càng mỏng, nguy cơ rừng tiếp tục "chảy máu" là hiện hữu nếu ngành chức năng không sớm có giải pháp để giữ chân và bổ sung lực lượng giữ rừng.
Một trong những biện pháp bảo vệ rừng đã được đề xuất tại cuộc Hội thảo "Tăng cường thực thi pháp luật quản lý bảo vệ rừng và lâm sản ở Tây Nguyên" diễn ra vào tháng 8/2019 là xem xét, bổ sung biên chế cho lực lượng kiểm lâm tại các địa phương đảm bảo đủ số lượng, chất lượng. Thế nhưng, sau gần 2 năm, lực lượng giữ rừng ở nơi có diện tích rừng lớn nhất cả nước này vẫn thiếu và tiếp tục phải đối mặt với tình trạng "chảy máu" cán bộ giữ rừng.
Đảm bảo sinh kế cho người dân, giảm bớt áp lực cho người giữ rừng và đặc biệt là tăng thu nhập để họ có thể sống được với rừng, tiếp tục yêu rừng và giữ rừng, thiết nghĩ đó là giải pháp quan trọng nhất.