1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cuộc sống chật vật của những người lao động xa quê ở đất Bình Dương

Những người lao động từ Hà Giang vào Bình Dương tìm việc sau Tết Nguyên đán. Do dịch Covid-19, họ phải tạm nghỉ việc, ở phòng trọ nửa tháng nay. Cuộc sống khó khăn, họ cần sự nhiều sự hỗ trợ.

Những người lao động từ tỉnh Hà Giang rời quê vào Bình Dương tìm việc làm sau Tết Nguyên đán, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên họ tạm nghỉ việc, ở phòng trọ nửa tháng nay, cuộc sống  khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ các ban, ngành địa phương.

Mới làm được thời gian ngắn đã phải nghỉ việc vì Covid-19

Từ thông tin phản ánh của bạn đọc, phóng viên đã tìm đến khu nhà trọ tại tổ 3B ấp 1, xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương hiện đang có khoảng 20 lao động (quê huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đang ở nhà trọ.

Cuộc sống chật vật của những người lao động xa quê ở đất Bình Dương - 1

Anh Phùa  (đứng bìa phải) và Sử  nghỉ việc 20 ngày nay do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Đình Trọng

Tại đây, chúng tôi gặp Vàng Mý Phùa (29 tuổi, quê  Hà Giang) và 5 người khác ở chung phòng trọ chưa đầy 15m². Phùa cho biết vợ chồng anh cùng những người đồng hương vào Bình Dương được hơn 2 tháng. Tại đây, ban đầu có 100 người nhưng giờ phần đông đã về quê hết.

"Ở quê chỉ làm nương trồng ngô, lúa. Tôi vào đây từ ngày 12.2 vì nghe nói có công ty nhiều việc làm, trả mỗi tháng 8-9 triệu đồng. Tôi gom góp được ít tiền để có chi phí đi tìm việc làm. Tuy nhiên vào đây làm ở công ty gỗ được hơn nửa tháng thì do ảnh hưởng dich bệnh, công ty hết việc nên phải nghỉ. Tôi không tìm được việc làm mới nên chỉ ở phòng trọ"- Mý Phùa nói.

Tương tự, cùng hoàn cảnh như Phùa, vợ chồng Vừ Mí Sử (24 tuổi) cũng gửi con nhỏ ở nhà để vào đây tìm việc mong có nhiều tiền hơn ở quê.

"Tiền mang đi tụi em tiêu đã hết. Tiền công làm việc được ít hôm, công ty trả cũng không còn được bao nhiêu. Bữa ăn chỉ cơm, rau và nước mắm. Tụi em không dám chi tiêu nhiều vì còn phải giữ để trả tiền xe về quê"- Sử nói.

Cuộc sống chật vật của những người lao động xa quê ở đất Bình Dương - 2

Chuẩn bị bữa cơm chiều của những lao động quê Hà Giang đang ở  trọ tại Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Tưởng đi xa làm có tiền mua áo ấm cho con, nhưng...

Cùng dãy trọ, buổi chiều đã ập xuống nhưng vợ chồng Ly Mí Sò (22 tuổi) cứ ngồi im lặng trước cửa phòng trọ. Vợ Mí Sò mắt đỏ hoe khóc: "Con em còn nhỏ, em nhớ nhà, nhớ con. Ở nhà nó quấy khóc, không ai chăm được"- vợ Sò chia sẻ.

Sò cho biết, hai vợ chồng vào Bình Dương được hơn 2 tháng. Làm việc được 21 ngày thì nghỉ, ở phòng trọ từ ngày 29.3 đến nay. "Hai vợ chồng được trả 9 triệu đồng. Không dám tiêu nhiều, sợ hết tiền về quê. Bây giờ mình chỉ muốn về, chứ ở đây thì sắp hết tiền rồi" - Sò nói.

Cuộc sống chật vật của những người lao động xa quê ở đất Bình Dương - 3

 Vợ chồng Ly Mí Sò ngồi im lặng trước cửa nhớ con. Ảnh: Đình Trọng

Chị Hào Thị Dánh (24 tuổi) cũng đành xa con nhỏ để vào Bình Dương mong tìm việc làm có nhiều tiền để lo cho con đầy đủ. "Lúc này không có việc làm, xe về quê cũng chưa có. Đây là lần đầu tiên em xa con lâu đến vậy. Tưởng làm kiếm được nhiều tiền về mua áo ấm cho các con, ai dè giờ lại như thế này. Đi làm thì còn đỡ chứ không có việc, nằm trong phòng nhớ các con lắm!"- Dánh chia sẻ.

Cuộc sống chật vật của những người lao động xa quê ở đất Bình Dương - 4

Những lao động nữ đang ở phòng trọ tại Bình Dương. Ảnh: Đình Trọng

Cơ quan ban ngành địa phương sẽ tìm hiểu để kịp hỗ trợ

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở hai dãy trọ tại ấp 1, xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên còn hơn 20 lao động từ huyện Đông Văn, tỉnh Hà Giang vào Bình Dương tìm việc làm. Những lao động này do một công ty hoạt động về môi giới việc làm về tận Hà Giang đưa vào tỉnh Bình Dương.

Cuộc sống chật vật của những người lao động xa quê ở đất Bình Dương - 5

Liên đoàn Lao động thị xã Tân Uyên và Công an xã Hội Nghĩa cho biết sẽ tìm hiểu để có hướng hỗ trợ kịp thời cho những lao động này. Ảnh: Đình Trọng

Trao đổi với phóng viên, đại diện Liên đoàn Lao động thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết sẽ rà soát lại các công ty có sử dụng người lao động từ Hà Giang vào thị xã Tân Uyên.

Công an xã Hội Nghĩa cũng cho biết sẽ xác minh, thống kê lại để nắm chính xác xem những lao động này ở những nhà trọ nào và có bao nhiêu người. Trường hợp những người lao động này khó khăn thì sẽ báo Ủy ban Nhân dân xã để tìm hướng hỗ trợ kịp thời. 

Về công ty môi giới việc làm, Công an xã Hội Nghĩa cho biết cũng sẽ tiến hành xác minh trách nhiệm liên quan của công ty môi giới này với những người lao động từ Hà Giang được đưa vào đây.

Theo Đình Trọng/Lao động