Công nhân chật vật trăm bề

Nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá khiến cuộc sống của công nhân càng khó khăn hơn

Gần một tháng nay, ở TP HCM, giá nhiều mặt hàng thiết yếu tại các chợ công nhân (CN) tăng mạnh, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của số đông người lao động. Để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, nhiều người phải chắt bóp chi tiêu sinh hoạt.

Ít sự lựa chọn

Ảnh hưởng từ giá xăng tăng trong thời gian qua, nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm tại các chợ CN trên địa bàn TP HCM cũng tăng mạnh. Cụ thể, giá rau muống trước đây mỗi bó/kg chỉ 5.000 đồng thì nay lên 6.500 đồng, rau cải từ 8.500 đồng lên 10.000 đồng. Thịt heo, thịt bò… tăng thêm từ 2.000-4.000 đồng/kg…

Tăng giá mạnh nhất là cá, có loại tăng thêm 5.000 đồng/kg so với trước đây.

Công nhân chật vật trăm bề - 1

Giá cả tăng khiến đời sống công nhân thêm chật vật Ảnh: Hoàng Triều

 

Tại chợ CN KCX Linh Trung II (quận Thủ Đức, TP HCM), giá cả mặt hàng nhu yếu phẩm cũng tăng từ 20%-30% so với trước đây. Còn tại khu chợ trước Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân), giá rau muống trước đây chỉ 12.000 đồng/kg nay lên 15.000 đồng/kg. Giá cá nục, cá bạc má, cá ngừ… cũng tăng từ 20% đến 30%.

Một tiểu thương tại đây cho biết giá xăng thời gian qua liên tục tăng dẫn đến cước vận chuyển tăng, do vậy các đầu mối cung cấp thực phẩm buộc phải tăng giá.

"Hầu hết mặt hàng thiết yếu như rau, củ, quả, gạo đều vận chuyển từ miền Tây, Tây Nguyên về TP HCM để tiêu thụ. Do quãng đường dài nên cước vận chuyển tăng nhiều. Nếu như trước đây, phí chuyến hàng từ Lâm Đồng về TP HCM chỉ 500.000 đồng thì nay đã lên gần 700.000 đồng" - một tiểu thương giải thích.

Đủ kiểu xoay xở

Tan ca, chị Nguyễn Thị Ánh, CN một doanh nghiệp tại KCN Bình Đường (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), tranh thủ ghé khu chợ gần nhà trọ để mua vài thứ chuẩn bị cho bữa cơm chiều.

Dừng lại một sạp rau củ quả, hỏi giá một bó rau muống thì người bán cho biết 10.000 đồng. Chị không nói gì, chỉ lẳng lặng đặt bó rau xuống rồi tiếp tục rảo quanh chợ.

Thế nhưng, ở các sạp khác, giá cả các loại rau củ cũng không rẻ hơn. Thấy trời đã xế chiều, chị vội mua một ít rau cải, vài quả trứng vịt và mấy miếng đậu hũ trắng rồi lặng lẽ đi về.

Chị Ánh cho biết trước đây, giá mỗi bó/kg rau muống chỉ 7.000 đồng nhưng gần tháng nay đã lên 10.000 đồng. Tổng thu nhập của vợ chồng chị khoảng 12,5 triệu đồng/tháng. Tiền nhà trọ, điện, nước, học phí của con… và một số chi phí khác đã ngốn hết tiền lương.

"Mỗi ngày, dù có chi tiêu tằn tiện cũng phải mất khoảng 150.000 đồng. Giá cả tăng vọt kiểu này chắc vợ chồng em phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc, nếu không thì khó trụ nổi ở TP" - chị than thở.

Việc làm không ổn định dẫn đến thu nhập bấp bênh đã khiến chị Nguyễn Thu Hương (quê Nghệ An), CN một doanh nghiệp ở KCX Linh Trung II (quận Thủ Đức), gạt nước mắt gửi đứa con lớn về quê cho ông bà chăm sóc.

"Trước đây, trừ chi tiêu, hai vợ chồng tiết kiệm được vài triệu đồng mỗi tháng. Hai tháng gần đây, giá cả sinh hoạt leo thang nên tháng nào "xào" hết tháng đó, thậm chí thiếu hụt. Hai đứa nhỏ nghỉ hè cũng phải kiếm chỗ gửi và học thêm nên chi phí sinh hoạt sẽ tăng. Gửi đứa lớn về quê là cách vợ chồng em tiết giảm chi phí sinh hoạt" - chị Hương bộc bạch.

Trò chuyện với chúng tôi trong một căn phòng trọ ẩm thấp ở phường Bình Trị Đông A (quận Bình Tân), chị Lâm (quê Tiền Giang), một nữ CN đang làm việc tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam, thừa nhận 2 tháng qua phải "cầu viện" từ gia đình. Do giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, chị phải nhờ ba mẹ ở quê gửi ít rau, củ, quả, gạo… lên để tiết giảm chi phí sinh hoạt.

"Cứ vài tuần, ba mẹ lại gửi theo xe khách một túi rau, củ… Nói chung, trong vườn ở quê có gì gửi nấy nên hầu như tôi không phải đi chợ. Chỉ cách này mới giúp chúng tôi giảm chi tiêu chứ vật giá cứ leo thang thì sao chịu nổi". Cạnh phòng trọ của Lâm, một số nữ CN cho biết trước đây họ hay góp tiền để đi chợ chung cho đỡ tốn nhưng từ 2 tháng nay đã "đường ai nấy lo" vì thực phẩm tăng giá chóng mặt. 

Nóng không dám bật quạt

Phòng trọ của gia đình anh Nguyễn Văn Bình, quê Hà Tĩnh nằm trong một khu lụp xụp tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, rộng chưa đầy 6 m2 nhưng có đến 4 người ở. Ngoài 2 chiếc quạt cũ kỹ, chiếc tủ lạnh loại nhỏ và vài vật dụng khác, căn phòng chẳng còn thứ gì có giá trị.

Từ 2 tháng qua, gia đình anh không còn sử dụng quạt vì giá điện tăng. "Tháng 4 vừa rồi, bà chủ đã thu thêm 350.000 đồng tiền điện. Do vậy, khi nào thời tiết nóng quá hoặc các con ở nhà thì mới bật quạt, còn không thì thôi. Giá điện tăng nên phải tính toán từng chút một, nếu không sẽ thiếu hụt" - anh Bình chia sẻ.

Theo Thành Đồng/Báo Người lao động