Cùng cực ngày về

Cả tin, nhiều người lao động lâm vào cảnh khốn cùng khi bị lừa ra nước ngoài làm việc trái phép

Gần 2 tháng qua, không khí căng thẳng bao trùm căn nhà nhỏ của gia đình anh N.Q.T ở ấp Xóm Mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM. “Thở phào nhẹ nhõm khi thoát khỏi “địa ngục” ở Nga, tôi phải đối diện với nỗi lo trả nợ, sợ bị trả thù” - anh T. nói và cho biết anh là một trong số nhiều nạn nhân trong đường dây xuất khẩu lao động (XKLĐ) bất hợp pháp sang Nga do Nguyễn Thị Thủy (tên thường gọi Út Nhị) - ngụ tại ấp Phước Hưng, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM - cầm đầu.
Lao động người Việt làm việc chui tại Nga
Lao động người Việt làm việc "chui" tại Nga
Nợ chồng nợ

Nghe lời dụ dỗ ngon ngọt, gia đình anh T. cố lo đủ 65 triệu đồng đưa cho bà Thủy để sang Nga làm việc. Khi biết bị lừa, ở Việt Nam, vợ anh phải chạy vạy khắp nơi, giúp anh có đủ lộ phí về nước. Đầu tháng 12-2014, chưa kịp vui mừng vì được đoàn tụ với gia đình, anh T. lại lo lắng cho khoản vay nặng lãi gần 100 triệu đồng mà gia đình đang gồng gánh.

Hiện chi phí sinh hoạt của gia đình 3 người và số tiền lãi hơn 4 triệu đồng hằng tháng chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân gần 5 triệu đồng của vợ bởi anh T. chưa tìm được việc làm phù hợp. Trong khi hàng xóm hồ hởi chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, gia đình anh T. chật vật xoay xở từng đồng để trả nợ. Anh T. chỉ mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để lấy lại số tiền đã mất, trang trải nợ nần.

Đồng cảnh ngộ với anh T., gia đình Nguyễn Phú Kim Ngân (ngụ ấp Chợ, xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, TP HCM) cũng gánh khoản nợ 50 triệu đồng sau khi Ngân thoát khỏi đường dây XKLĐ chui của Nguyễn Thị Thủy. “Gom góp tiền bạc để con ra nước ngoài tìm việc làm ổn định, tôi chẳng ngờ lại bị người hàng xóm lừa. Sau khi trải qua tình cảnh bên Nga, con tôi vẫn còn hoảng sợ, lo lắng” - bà Đinh Thị Vân, mẹ của Ngân, nghẹn ngào.

Khổ trăm đường

Nhớ về những tháng ngày bán sức lao động ở xứ người, người lao động (NLĐ) vẫn chưa hết bàng hoàng. Ngày đi, nhiều người phấn khởi, ôm mộng đổi đời khi ra nước ngoài làm việc. Ngờ đâu, họ vỡ mộng khi đặt chân đến đất khách. Những thông tin về thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày, lao động làm việc hợp pháp, xuất cảnh khi có sự thông qua của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội… chỉ là “chiêu trò” do bà Thủy và các đối tượng “cùng thuyền” tung ra để lừa NLĐ.

Thực tế, công việc của lao động chui người Việt Nam tại Nga không ổn định, thù lao chỉ khoảng 150.000 đồng/người/ngày. Do cư ngụ bất hợp pháp nên họ chỉ đảm nhận những công việc giản đơn, thù lao rẻ mạt (bóc hành, trồng rau trong nhà kính, may…). Có ngày NLĐ phải làm việc 12 giờ (tính lương 150.000 đồng/ngày), có lúc lại “chơi dài” vì không có việc.

Anh T. kể NLĐ ăn, ở ngay tại nơi làm việc. Chỗ ở chật chội, xập xệ, ẩm mốc; nước sinh hoạt ô nhiễm, làm việc với áp lực cao khiến sức khỏe nhiều người giảm sút rõ rệt. Không chỉ vậy, NLĐ còn thường xuyên bị nhóm quản lý uy hiếp, đánh đập. “Sau khi điện thoại cho bà Thủy đòi lại tiền, tôi bị nhóm côn đồ trùm kín mặt đánh đập dã man. Không ai dám lên tiếng vì sợ trả thù” - anh T. cho biết.

Nhiều lao động không có tiền về nước, đành ở lại bán sức lao động để trả nợ. Một số lao động vừa trở về cho biết lao động nữ sang Nga làm việc chui còn phải đối mặt nguy cơ xâm hại tình dục. Ai cũng nơm nớp nỗi lo mình bị bán vào các nhà chứa, đường dây mại dâm tại địa phương khi đòi về nước hay không nghe lời chủ. Muốn sống yên ổn, họ phải cắn răng chịu đựng, không dám phản kháng.

Không ít lao động nữ vì muốn kiếm tiền về nước nên chăm chỉ nhặt rau chủ bỏ đi để bán ở lề đường. Một số người bị cướp, thậm chí thiệt mạng khi đi bán rau một mình. Phần lớn lao động muốn kêu cứu nhưng không biết địa chỉ và cách thức liên lạc với Đại sứ quán Việt Nam tại Nga hoặc các tổ chức xã hội, địa phương.
Theo Báo Người Lao động

Nguy cơ nghiện ma túy. Theo nhiều NLĐ từ Nga trở về, nhóm quản lý lao động người Việt tại Nga thường khống chế NLĐ bằng cách rủ rê sử dụng ma túy. Nhiều người do chán nản, lo sợ nên sa lầy, nghiện nặng. Do vậy, phần lớn trong số họ phải cắn răng bám víu, bán sức lao động lấy tiền mua ma túy.