Cua Cà Mau chết hàng loạt, người nuôi toát mồ hôi, tỉnh hỏa tốc chỉ đạo

Nhật Linh Đan

(Dân trí) - Tình trạng cua nuôi trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị bệnh chết có chiều hướng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của người dân.

Theo phản ánh của người dân ở Cà Mau, tình trạng cua nuôi bị bệnh chết bắt đầu xảy ra từ đầu năm 2023.

Khoảng một tháng trở lại đây, cua chết hàng loạt trên diện rộng, với số lượng lớn đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhiều hộ nuôi cũng như sản lượng cua của địa phương.

Trong đó, vùng nuôi cua đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau ở các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, tình trạng nặng nề nhất.

Cua Cà Mau chết hàng loạt, người nuôi toát mồ hôi, tỉnh hỏa tốc chỉ đạo - 1

Người dân Cà Mau lo lắng khi cua chết nhiều từ đầu năm 2023 đến nay (Ảnh: CTV).

"Cua chết rải rác từ đầu năm đến nay, gần đây ngày càng nhiều hơn. Có con chết ngay dưới ao nuôi, có con bắt lên bờ một lúc cũng chết, không bán được", một người dân nuôi cua ở huyện Ngọc Hiển cho biết.

Theo người dân địa phương, mức độ cua bị thiệt hại trung bình khoảng 30%, có hộ nuôi mất đến hơn 60%. Bước đầu, người dân đánh giá nguyên nhân khiến cua chết có thể do ký sinh trùng, như từng xảy ra 2 năm trước đó.

Trước tình trạng trên, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, "hỏa tốc" chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh trên thủy sản nuôi, trong đó có cua, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Cua Cà Mau chết hàng loạt, người nuôi toát mồ hôi, tỉnh hỏa tốc chỉ đạo - 2

Cua Cà Mau là đặc sản nổi tiếng cả nước lâu nay (Ảnh: CTV).

Lãnh đạo UBND tỉnh giao các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học có chuyên môn sâu để xác định nguyên nhân cua chết và có giải pháp xử lý hiệu quả, bền vững.

Ông Việt cũng yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cán bộ xã thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn quản lý, kịp thời báo cáo, đề xuất trong trường hợp bệnh dịch ở cua diễn biến phức tạp, không để lây lan trên diện rộng.