1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cứ sốt đất, sinh viên lại bỏ học đi làm... "cò"

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhiều sinh viên theo học ngành bất động sản nhưng khi địa phương sốt đất, các em lại bỏ học đi làm... "cò".

Thực trạng nguồn nhân lực ngành bất động sản là vấn đề được quan tâm tại Đại hội Liên chi hội đào tạo bất động sản Việt Nam diễn ra tại TPHCM ngày 12/8. 

Cứ sốt đất, sinh viên lại bỏ học đi làm... cò - 1

Các nhà quản lý, đào tạo chia sẻ về nguồn nhân lực ngành bất động sản tại diễn đàn (Ảnh: N.H).

Cứ "sốt" đất là... tấp nập 

Ông Lê Nhật Thanh, Giám đốc vận hành An Gia Group cho hay, lĩnh vực bất động sản đòi hỏi nhân lực có trình độ cao nhưng hiện nay thị trường chủ yếu hoạt động theo kiểu... truyền nghề. 

Ông Thanh thông tin, nguồn nhân lực bất động sản hiện chỉ mới đáp ứng được 30-40% nhu cầu của doanh nghiệp. Nhân sự làm việc tự phát, thiếu kiến thức pháp luật, xã hội, còn nhiều trường hợp môi giới tâng bốc sản phẩm gây nhiễu. 

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương, Hiệu trưởng Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, nhìn nhận chung của xã hội về nhân lực lĩnh vực này là kinh doanh, môi giới bất động sản. Trong khi môi giới chỉ cần có chứng chỉ là có thể hành nghề. Chứng chỉ lại được cấp dễ dãi, khỏi cần học luật, khỏi cần bằng cử nhân. 

Dù theo quy định chứng chỉ này có thời hạn nhưng thực tế, theo bà Phương mặc nhiên được hiểu là dùng vĩnh viễn, không có giám sát, hậu kiểm xem người được cấp chứng chỉ làm việc như thế nào. 

Cứ sốt đất, sinh viên lại bỏ học đi làm... cò - 2

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương: "Cứ sốt đất là sinh viên... bỏ học" (Ảnh: H.N).

Còn sinh viên học đại học được đào tạo bài bản, cầm bằng ra trường lại không đồng nghĩa với việc có quyền hành nghề. Nghĩa là học đại học xong không bằng một người không cần học, chỉ mất vài tháng để luyện lấy chứng chỉ hành nghề. 

Từ thực tế đó, bà Phương thẳng thắn: "Vậy hà cớ gì phải học 3-4 năm ở trường đại học". 

Chính từ nghịch lý này, PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương cho biết làm các trường không tuyển sinh được. 

"Hoặc tuyển được thì khi địa phương đó rộ lên tình trạng sốt đất, các em sẽ bỏ học gia nhập đội ngũ bên ngoài. Khi đó, chỉ cần vài tháng là các em kiếm được chứng chỉ để kiếm sống", nữ hiệu trưởng cho hay. 

Ông Nguyễn Đức Lập - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản nêu ra vấn đề quy định pháp luật trong hoạt động ngành nghề kinh doanh bất động sản gần như không có rào cản nào để gia nhập. Cứ hễ đất sốt là có người người gia nhập thị trường. Trong quy trình bất động sản, dịch vụ môi giới chỉ là ngách rất nhỏ nhưng lại đang hiện diện rõ nhất. 

Ông Lập thông tin, dữ liệu gần đây cho thấy thị trường có 300.000 môi giới nhưng chỉ 10% có chứng chỉ. Chứng chỉ do địa phương cấp nhưng lại có thể hành nghề trên cả nước nên cứ nơi nào dễ mọi người về đó lấy chứng chỉ. 

Theo ông Lộc, việc hành nghề môi giới rất đáng báo động khi môi giới gia nhập tự do, không cần học; nhiều tổ chức hợp thức hóa để làm mà không yêu cầu gì gắt gao dẫn đến thị trường thiếu minh bạch.

Tạo nguồn nhân lực "sạch"

TS Trần Đình Lý - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TPHCM thông tin, hiện cả nước có khoảng 20 trường tham gia đào tạo ngành bất động sản. Nguồn nhân lực thiếu so với yêu cầu với thị trường như cần cẩn trọng khi đánh giá nhân lực yếu. Vì thực tế hiện nay nguồn nhân lực tham gia thị trường chủ yếu là tay ngang, không qua đào tạo. 

Cứ sốt đất, sinh viên lại bỏ học đi làm... cò - 3

Nhân lực ngành bất động sản cần có chuẩn đầu ra về tiêu chí năng lực, đạo đức (Ảnh: L.L).

Việc học nghiêm túc còn bị xem nhẹ với ngành bất động sản, theo ông Nguyễn Đức Lập, nhiều người nghĩ rằng học bất động sản chỉ là lý thuyết, không có giá trị thực tiễn. 

Từ trải nghiệm làm nghề của mình, ông Lập khẳng định đây là cách hiểu sai. Khi có lý thuyết vững thì áp dụng vào thực tế, mọi vấn đề thấy sáng rõ. Trong quá trình đào tạo, các trường đại học cũng nên kết hợp lồng ghép giữa lý thuyết và thực chiến để tăng cường chất lượng đội ngũ. 

PGS.TS Lưu Bích Ngọc - Chánh Văn phòng Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực gợi ý có thể xây dựng được bản đồ về nhân lực của ngành này. Đặc biệt cần chú ý 10% top nhân lực cấp cao là quản lý đang rất thiếu, còn phía dưới là nhân lực hoạt động kỹ thuật, môi giới, phục vụ nếu đào tạo tốt thì mức độ thiếu hụt không cao. 

Việc tạo nguồn nhân lực, bà Ngọc nhấn mạnh là câu chuyện hướng nghiệp từ sau bậc THCS. Áp lực hiện đổ lên vai giáo viên trong khi công việc đó không bao quát được hết cũng như chưa thể truyền cảm hứng đầy đủ, khơi dậy thiên hướng, đam mê với học sinh.

Cứ sốt đất, sinh viên lại bỏ học đi làm... cò - 4

Nguồn nhân lực trong tương lai của các ngành nghề cần được chuẩn bị sớm trong quá trình hướng nghiệp (Ảnh: L.L).

Bà Ngọc đề xuất, hoạt động hướng nghiệp nên đến từ doanh nghiệp, các tổ chức bằng kinh nghiệm, chia sẻ giúp học sinh thấy rõ chuyện thực tế của ngành nghề để có sự học hỏi, dấn thân nghiêm túc. 

PGS.TS Lưu Bích Ngọc cũng nêu ý kiến, cần xây dựng bộ tiêu chí chuẩn đầu ra cho sinh viên về năng lực, đạo đức nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực sự chất lượng và bài bản.