1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cử nhân thu gần 100 triệu mỗi tháng từ vịt trời

(Dân trí) - Đang có việc làm ổn định, thu nhập cao nhưng anh Phạm Văn Nhật vẫn từ bỏ để về quê nhà NInh Binh để làm… nông dân. Từ nghề nuôi vịt trời, mỗi tháng chàng cử nhân thu về 500 - 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 100 triệu đồng.

Bỏ việc lương cao về làm… nông dân

Con đê ven sông Đáy chạy ngoằn nghèo bao quanh xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) xưa kia chỉ là vùng đất hoang hóa, chẳng ai nhòm ngó tới. Kể từ ngày chàng cử nhân Phạm Văn Nhật (quê xã Khánh Hải) đến thuê đất mở trang trại nuôi vịt trời, nơi đây trở nên nhộn nhịp như khu kinh tế mới của xã thuần nông này.

Tìm đến trang trại của Nhật không khó, nhưng để vào được bên trong phải có người quen. Trang trại rộng 6 ha này được vây xung quanh để nuôi vịt trời khép kín, người lạ ra vào phải được kiểm soát để tránh lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào.

Phan Văn Nhật (sinh năm 1986) vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, vì muốn con thoát khỏi cái nghề “bần cùng” nên bố mẹ anh gắng lao động để nuôi con ăn học. Học xong ngành văn hóa du lịch (trường ĐH Hải Phòng) năm 2009, Nhật tiếp tục theo học và tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh ở trường Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội).

Anh Phan Văn Nhật, có 2 bằng cử nhân, bỏ việc ổn định lương cao về quê nuôi vịt trời.
Anh Phan Văn Nhật, có 2 bằng cử nhân, bỏ việc ổn định lương cao về quê nuôi vịt trời.

Với trình độ và học vấn cùng với bản tính siêng năng nên Nhật nhanh chóng xin được việc làm tại một công ty lữ hành du lịch tại Hà Nội. “Lúc đó, mình làm hướng dẫn viên du lịch lương tháng khoảng chục triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống và có ít tiết kiệm gửi về quê cho bố mẹ”, Nhật nhớ lại.

Có việc làm phù hợp, thu nhập ổn định cứ nghĩ chàng cử nhân có 2 tấm bằng đại học sẽ gắn bó với công việc này lâu dài. Ngờ đâu, được thời gian ngắn, anh quyết định bỏ việc để về quê làm… nông dân. Vì điều này Nhật đã khiến nhiều người trong gia đình bất ngờ và buồn rầu. Nhưng việc anh nghỉ việc lại có lý do riêng, đó là quyết định về quê để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chàng cử nhân lý giải: “Những năm tháng làm hướng dẫn viên, mình nắm bắt được thị trường về các loại con đặc sản được ưa chuộng. Thấy nghề này dễ kiếm tiền nên mình quyết tâm về quê làm giàu bằng nghề chăn nuôi con đặc sản”. Vì thế, về quê hôm trước, hôm sau Nhật bỏ tiền tích cóp ra mua giống lợn rừng, nhím về nuôi.

Không để gia đình lo lắng, sau khi về quê Nhật đã kiếm thêm một công việc mới để đi làm cho bố mẹ yên lòng. Bên cạnh đó, anh vẫn xây dựng trang trại tại nhà, nuôi nhím, lợn rừng để thực hiện quyết tâm làm giàu bằng con đường làm trang trại.

Từ đó, ban ngày Nhật đi làm nhân viên kinh doanh, có thời gian anh lại về lao đầu vào việc chăn nuôi. Các mối nhà hàng quen từ ngày còn làm hướng dẫn viên được anh liên hệ nhập hàng. Vài năm đầu, giá nhím và lợn rừng cho thu nhập cao, sau bão hòa rồi xuống thấp khiếp Nhật lỗ cả chục triệu đồng nhưng anh vẫn không chịu bỏ cuộc.

“Triệu phú” vịt trời

Thấy nuôi lợn rừng, nuôi nhím không mấy hiệu quả, năm 2012 Nhật tìm mua giống vịt trời về nuôi thử. “Những năm đầu, giống vịt trời rất đắt, khoảng 50 nghìn đồng/1 con. Với số vốn ít ỏi, mình chỉ mua được khoảng 500 con. Nuôi đến khi bán thì giá từ 200 - 250 nghìn đồng/con, lãi hơn một nửa”, Nhật kể.

Trang trại rộng 6 ha nuôi hàng vạn con vịt của anh Nhật, mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng.
Trang trại rộng 6 ha nuôi hàng vạn con vịt của anh Nhật, mỗi năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng.

Từ lứa vịt ban đầu cho hiệu quả cao, Nhật nhân thêm đàn, mở rộng diện tích trang trại của gia đình. Đến năm 2014 - 2015, anh đi thuê đất tại xã Khánh Tiên (cách nhà hơn 3km) để mở rộng trang trại, nuôi đến hàng nghìn con vịt. Vì chưa có kinh nghiệm, lại ham lãi cao nên khi nhân số lượng vịt lên, trang trại của anh không kiểm soát được mật độ, không xử lý được môi trường dẫn đến dịch bệnh. Lứa vịt năm đó chết hàng nghìn con khiến Nhật lỗ gần 2 tỷ đồng.

Ai cũng nghĩ rằng sau lứa vịt thua lỗ, Nhật sẽ bỏ cuộc. Nhưng sau đó anh lại đi tìm khu đất mới rộng hơn để tiếp tục giấc mơ vịt trời của mình. Cuối năm 2015, Nhật thuê được diện tích đất rộng hơn 6ha bên chân đê ven sông Đáy ở xã Khánh Tiên, anh bắt tay vào làm trang trại với quy mô lớn.

Từ vùng đất hoang hóa, anh thuê máy xúc đào ao, đắp bờ làm nền chuồng trại, sau đó trồng chuối, thả cá và nuôi hàng vạn con vịt trời trên khu đất này. Từ làm ăn thua lỗ, hiểu được đặc tính của vịt trời, rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý môi trường… sau gần 1 năm phát triển, hiện trang trại khép kín này của Nhật đang nuôi trên 3.000 vịt trời đẻ, trên 2 vạn vịt thịt và dần làm ăn có hiệu quả.

Dù làm chủ một trang trại rộng lớn, có 5 – 7 người làm công nhưng lúc nào Nhật cũng tất bật. “Mình không xắn tay vào làm không được, có làm mới hiểu và rút ra kinh nghiệm”, chàng cử nhân nói và cho biết thêm, đó chính là lý do thêm một lần nữa anh quyết định nghỉ công việc làm nhân viên kinh doanh có thu nhập ổn định để về chuyên tâm vào làm kinh tế trang trại.

Ông chủ trẻ chia sẻ kinh nghiệm: “Vịt trời là loại thủy cầm nên môi trường sống cần phải có nước, ao chuồng phải rộng rãi thoáng mát. Trang trại 6 ha này mình ngăn thành nhiều ô, nhiều chuồng và phân khu từng loại vịt khác nhau. Vịt khi đẻ trứng mình sẽ đưa vào lò ấp, nở thành vịt con sẽ nuôi hơn 1 tháng trong chuồng mới đưa ra trang trại.

Bình thường, mỗi lứa vịt phải tiêm phòng từ 2 – 3 lần. Vịt trời là loại vật có sức chịu đựng tốt nên ít dịch bệnh, mỗi lứa vịt nuôi hơn 2 tháng, khi xuất chuồng lãi được khoảng 10.000 đồng/ con”, Nhật nói và cho hay, giá vịt thương phẩm hiện tại bán ra thị trường là 75 – 80.000 đồng/con. Mỗi lứa vịt, anh xuất cả nghìn con, mỗi tháng xuất nhiều lứa nên trang trại cho thu nhập từ 500 – 600 triệu đồng/tháng, trừ hết chi phí vẫn có lãi gần 100 triệu đồng/tháng.

Đàn vịt trời vạn con của triệu phú vịt trời đất Ninh Bình.
Đàn vịt trời vạn con của "triệu phú vịt trời" đất Ninh Bình.

“Triệu phú vịt trời” tiết lộ, bình quân mỗi năm trang trại của mình cho thu nhập từ 5 – 6 tỷ đồng. Trừ hết chi phí cũng có lãi khoảng 500 triệu/ năm. “Những năm đầu do đang phải đầu tư chuồng trại, ao nuôi rất tốn kém nên chưa có thu nhập ổn định. Tương lai nếu thuê được thêm đất mình sẽ tiếp tục mở rộng trang trại lớn hơn”, anh Nhật nói.

Với tinh thần thanh niên dám nghĩ dám làm, mới đây Phạm Văn Nhật đã được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Định Của, anh cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc phát triển kinh tế địa phương.

Thái Bá