Kiếm tiền triệu nhờ những đôi đũa truyền thống
(Dân trí) - Nghề vót đũa tưởng giản đơn nhưng đã giúp vợ chồng ông Kỳ kiếm được tiền triệu mỗi tháng. Hiện ở Bản Lác (Hòa Bình), duy nhất gia đình người nông dân trên sống được nhờ nghề này.
Ông Kỷ chia sẻ, lúc đầu vợ chồng ông chỉ làm ra những đôi đũa bằng thân cây luồng dùng trong gia đình. Khách du lịch đến tham quan Bản Lác thích thú với những đôi đũa do vợ chồng ông làm ra nên ông bà nảy ý định vót đũa truyền thống bán cho du khách.
Nghề vót đũa truyền thống không nặng nhọc nhưng mất rất nhiều công sức. "Ông Kỷ mua luồng ở bản khác về rồi cưa thành từng đoạn. Ssau đó, tôi chẻ nhỏ thành từng miếng nhỏ ước chừng một chiếc đũa rồi mới vót" - bà Thòa cho hay.
Luồng chọn làm đũa phải là cây già, vì thân cây này khi vót sẽ dễ hơn, đũa tròn đẹp theo các thớ cây luồng. Hơn nữa, khi phơi nắng đũa cũng không bị cong teo, không bị hao hụt.
Làm nghề vót đũa bán chừng 3 - 4 năm nay, mỗi ngày vợ chồng bà Thỏa cũng bán bình quân được khoảng 20 - 50 đôi đũa. Mỗi bó đũa có 20 đôi được bán với giá 50.000 đồng. Có ngày đông khách, hai ông bà làm không kịp hàng, thu tiền triệu.
Để không bị dao sắc làm đứt tay, ông Kỷ đeo vào ngón trỏ bàn tay cầm dao một miếng rẻ cũ. "Muốn không lãng phí từng miếng luồng, khi vót phải từ từ, không cho dao "ăn" phạm vào miếng luồng, đũa mới không bị hư và méo mó", ông Kỷ nói.
Khi vót xong mỗi chiếc đũa, người đàn ông 51 tuổi còn phải ngắm lại lần cuối xem đã tròn và thẳng theo yêu cầu chưa. Ông Kỷ bày tỏ: "Làm ăn lâu dài phải uy tín, công không cao, thu nhập không đáng mấy nhưng để đôi đũa của mình được mọi người khi cầm ăn phải nhớ mãi".
Sở dĩ, vợ chồng bà Thòa sống được với nghề bởi đũa do ông bà làm ra hoàn toàn thủ công, không qua một công đoạn nào sử dụng chất công nghiệp để ngâm hay sấy làm cho đũa khỏi mốc. Đũa do ông bà làm ra bền đẹp là do bàn tay khéo léo, nguyên liệu bền vì được chọn kỹ lưỡng.
Ông bà Kỷ - Thòa nhờ làm nghề không giống ai này mà có tiền nuôi được cô con gái ăn học. Hàng ngày có thêm thu nhập mua thức ăn, chi phí sinh hoạt trong gia đình. Ông Kỷ nói: "Mỗi tháng cũng kiếm được tiền triệu, nghề này không giàu được nhưng mừng vì nhiều người vẫn thích dùng đũa vót là mình sống được với nghề rồi".
Vào mỗi dịp lễ, tết Bản Lác rất đông khách du lịch ghé thăm. Có ngày vợ chồng ông Kỷ bán được cả trăm đôi đũa. Nhiều người không chỉ mua đũa về dùng mà còn biết tặng. Có người mua rồi, có dịp quay lại vẫn tìm đến gia đình ông để mua về dùng tiếp.
Đũa do vợ chồng ông Kỷ làm sau khi vót không đem sấy mà được phơi khô bằng nắng tự nhiên. Vào dịp cuối năm, ông bà làm cả ngày lẫn đêm để phục vụ nhu cầu của người sử dụng.
Sau mỗi buổi vót đũa xong, chỗ làm việc cũng được dọn dẹp sạch sẽ. Không chỉ bán đũa, những chiếc mắt luồng sau khi ông Kỷ cưa bỏ ra nhiều du khách nước ngoài cũng thích thú hỏi mua làm kỷ niệm.
Du khách nước ngoài ghé mua những đôi đũa vót bằng phương pháp thủ công của vợ chồng bà Thòa.
Nghề này giúp vợ chồng bà Thòa có thêm thu nhập, kiếm tiền triệu mỗi tháng. Ngoài ra , nghề còn giúp người dân dùng đũa sạch và không gây ô nhiễm môi trường từ hoá chất tẩy, nhuộm.
Thái Bá