Mất cân đối cơ cấu lao động:

Cử nhân thất nghiệp phải giấu bằng xin học nghề, làm công nhân

Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh đã đưa ra những bất cập về tình trạng mất cân đối cơ cấu lao động và nêu một số kiến nghị tới Chính phủ.

Chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận của về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho biết lao động việc làm là một trong những yếu tố quyết định đối với thành công của việc cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng phát triển văn hóa xã hội.

Cử nhân thất nghiệp phải giấu bằng xin học nghề, làm công nhân - 1

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long)

Tuy nhiên, so với các khu vực ASEAN, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Một số lĩnh vực còn chưa gắn kết với nhu cầu thị trường, chưa theo kịp sự chuyển dịch mô hình cơ cấu kinh tế.

Về cơ cấu trình độ lao động trong các ngành trong lĩnh vực kinh tế xã hội của Việt Nam là 1 đại học - 1 cao đẳng - 1 công nhân kỹ thuật.

Cơ cấu này đang mất cân đối, đặc biệt khi so sánh với những nước châu Âu hiện nay là 1 lao động đại học thì có 3 lao động trình độ cao đẳng - 10 lao động công nhân.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, lao động trình độ đại học thất nghiệp chiếm tỷ lệ 9,58%, khoảng trên 120.000 người.

"Bất cập trên nảy sinh thực tế trong thời gian qua, một bộ phận cử nhân không tìm được việc làm sau tốt nghiệp nên giấu bằng cấp, xin đi làm công nhân. Một bộ phận khác xin học nghề, học văn bằng 2 trung cấp cao đẳng nghề. Kết quả phân luồng học sinh sau THCS và THPT của cả nước không mấy khả quan và còn xa với Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ về Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025" - đại biểu đoàn Vĩnh Long chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh kiến nghị Chính phủ quan tâm xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng chiến dịch tổng thể gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo, lao động và việc làm nhằm phù hợp với điều kiện Việt Nam, với cơ cấu trình độ hợp lý để giải quyết việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động, phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, sớm đưa nền kinh tế vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững.

"Cần kiểm soát chất lượng giáo dục chặt chẽ, đặc biệt là đầu vào. Kiến thức cho sinh viên phải gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội. Hỗ trợ nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và gửi sinh viên giỏi đưa đi đào tạo tại nơi có đẳng cấp quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp gắn với phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu thị trường lao động trên cả nước, từng vùng và từng địa phương. Xây dựng cơ chế chính sách đào tạo nghề cho học sinh sau THCS và THPT. Chú trọng đến các trường nghề để phân luồng hiệu quả huy động nguồn lực xã hội hóa" - Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu kiến nghị.

Theo H.T/VTV.VN