Cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp gần 180.000 người, có lo ngại?

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, với quy mô đào tạo đại học khoảng 400.000 người/năm, VN thường xuyên duy trì khoảng 170.000 hoặc hơn một chút nhân lực tốt nghiệp đại học, sau đại học không có việc làm. Đó là điều đáng suy nghĩ.

Số liệu về 177.700 ngàn người có trình độ đại học và trên đại học không có việc làm trong Quý 1/2015 vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố là điều khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Suy ngẫm để chuyển biến

Đặc biệt, đợt công bố này lại gần với dịp Bộ GD ĐT công bố kết quả thi tuyển TN THPT, kỳ thi đầu tiên có lồng ghép 2 trong 1: Kết quả TN THPT và ĐH.

Theo ông Doãn Mậu Diệp, tác dụng của con số thất nghiệp này sẽ phần nào làm thay đổi việc chọn đại học để học nghề, một số gia đình cũng mong muốn con em chọn được nghề phù hợp để học và sau đó có việc phù hợp để làm.

Bên cạnh đó, “Kết quả khảo sát cũng đặt ra cho Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD ĐT có sự thay đổi, đổi mới trong công tác kế hoạch, đào tạo kỹ hơn cho nhu cầu thị trường. Từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu thị trường. Với kỳ vọng mỗi học sinh, sinh viên khi vào trường nghề để học thì tìm được việc làm trên thị trường lao động” - ông Doãn Mậu Diệp nói.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp

Trả lời câu hỏi của báo chí về thực trạng cử nhân đại học chấp nhận đi làm và nhận lương tương ứng với lao động phổ thông.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: “Tôi không nghĩ doanh nghiệp, người sử dụng lao động trả lương cử nhân như lao động phổ thông. Tại rất nhiều địa phương, ví dụ trường Cao đẳng nghề Phú Thọ, có những ngành nghề khi học sinh chưa tốt nghiệp đã có rất nhiều doanh nghiệp tới đặt hàng và số học sinh tốt nghiệp đều được tuyển dụng hết.

Một số ngành nghề đào tạo cho trường cao đẳng nghề Vũng Tàu cũng rất khả quan, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng chương trình hợp tác, gửi giáo viên, hỗ trợ đầu tư thêm trang thiết bị để dạy và mong muốn những người tốt nghiệp trường đó ra làm ngay trong doanh nghiệp”.

Chấp nhận đào tạo lại một phần

Tuy nhiên, ông Doãn Mậu Diệp cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế cử nhân làm việc không đúng ngành nghề.

“Nếu chúng ta kỳ vọng tất cả những người mà khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng đều làm việc đầy đủ với tất cả khả năng như là một người tốt nghiệp trình độ đại học, cao đẳng có lẽ là mong muốn chưa hợp lý. Chúng ta nhớ rằng, trước đây trước khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng, bao giờ cũng có khoảng thời gian tập sự, cỡ khoảng 18 tháng hoặc 1 năm”.

Lý giải của Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, kiến thức cung cấp trong nhà trường chỉ đáp ứng một phần 70-80% so với yêu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, hầu hết học sinh tốt nghiệp đại học, cao đẳng thì bao giờ cũng có một giai đoạn đào tạo bổ sung để đáp ứng trình độ công nghệ với vị trí việc làm của doanh nghiệp.

Nhiều cử nhân tìm việc tại TT DVVL Hà Nội
Nhiều cử nhân tìm việc tại TT DVVL Hà Nội

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng hầu hết các nước đều có quá trình đào tạo lại. Tuy nhiên, việc đào tạo lại vì một số kiến thức cơ bản, kỹ năng cơ bản đã được cung cấp ở các trường đại học, cao đẳng chứ không phải toàn bộ.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp chỉ có giai đoạn đào tạo bổ sung để đáp ứng được yêu cầu công việc.

“Chúng tôi đã tham khảo tài liệu của Singapore, học sinh tốt nghiệp trường nghề cũng chỉ đáp ứng được 85% kiến thức, kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Còn đối với từng doanh nghiệp, ngành nghề cần bổ túc thêm khối lượng kiến thức, kỹ năng nhất định. Khó có thể nói doanh nghiệp đào tạo lại mà chỉ đào tạo bổ sung” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.

Tỉ lệ thất nghiệp cao, vậy nên giảm đào tạo để tránh tốn kém cho xã hội? “Đây là câu hỏi khó trả lời và cần phải có đánh giá kỹ hơn về nhu cầu của thị trường, về quy mô, cơ cấu, không chỉ về ngành nghề mà cả nhu cầu vùng, trên cơ sở đó phải đổi mới kế hoạch đào tạo. Chúng ta nói rằng, mặc dù sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng thất nghiệp ở vùng này nhưng ở vùng khác lại cần. Thừa quy mô đào tạo ở ngành nghề này nhưng ngành nghề khác lại cần” - ông Doãn Mậu Diệp cho biết.

Hoàng Mạnh