"Nụ hôn đắng" của bằng đại học

Hãy lắng nghe các sinh viên nói chuyện với nhau, thỉnh thoảng họ tâm sự: "Mình đã ngủ luôn bốn năm, và thức dậy bởi nụ hôn của tấm bằng tốt nghiệp".

Rồi các anh chị sinh viên cũng an ủi đàn em đang học thi ở khối trung học phổ thông, vật vã trước ngưỡng cửa đại học: "Cố lên, vào được đại học rồi sẽ được nghỉ ngơi thoải mái".

Đối với rất nhiều sinh viên, thời gian 4 năm học đại học như một kỳ nghỉ dễ chịu, học hành qua loa, không thư viện, sách vở, nghiên cứu, làm tiểu luận thì theo nhóm, cả nhóm cứ trút trách nhiệm lên đầu người nào chịu khó, nhóm ăn theo là chính.

Sau một thời gian dài dễ chịu, đến khi bị đẩy vào một kỳ thực tập, sinh viên như đàn chim vỡ tổ, không biết là bay lên cao hay đậu xuống đất sẽ an toàn hơn!
Nụ hôn đắng của bằng đại học

Mỗi năm, khoảng thời gian đầu Hè, một số công ty phải trưng hẳn bảng thông báo đã nhận đủ số lượng sinh viên thực tập để từ chối khéo "những đứa trẻ to xác quẩn chân người lớn". Có đơn vị còn "cứng rắn" tới mức nhắc các sinh viên nếu nhất định xin vào thực tập sẽ không được nhận xét tốt và có điểm cao khi kết thúc.

Hóa ra "nụ hôn của bằng đại học" đắng chát với đa số sinh viên bị đẩy ra khỏi ghế giảng đường đúng hẹn. Họ phải tỉnh giấc mộng êm ái để đối mặt với chuyện việc làm.

Người ta còn nhớ trước khi mất ít lâu, cố Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh trong một lần tiếp xúc cử tri đã yêu cầu Sở Nội vụ Thành phố giải quyết việc làm cho một cô gái có bằng thạc sĩ loại khá. Nhờ sự quyết liệt đó, cô gái kia đã nhận được việc làm. Tuy vậy, thật ra câu chuyện vẫn còn chứa đựng nhiều uẩn khúc.

Ví dụ, cô gái này cho biết chỉ nộp hồ sơ xin việc theo con đường tuyển dụng tại thành phố, chứ chưa hề tìm kiếm, nghiên cứu các chuyên ngành thích hợp với bằng cấp của mình ở các kênh việc làm khác. Cô gái đã làm chúng tôi khá ngạc nhiên khi cho biết chưa bao giờ lên mạng tìm kiếm việc làm, chỉ trông chờ sự sắp xếp của Sở Nội vụ Thành phố.

Sự thụ động của sinh viên hầu như khá phổ biến. Hầu hết họ không có kỹ năng làm việc trong một nhóm chuyên môn, và phải học gần như mọi thứ. "Đào tạo lại" là cụm từ được bộ phận tổ chức nhân sự quan tâm sau khi tuyển lựa được những người có tố chất nhất.

Sự vấp váp của các tân cử nhân trước ngưỡng cửa cuộc đời rất nhỏ nhặt, nhưng "vết thương lòng" để lại cho họ không phải là nhỏ. Một nhóm sinh viên vừa ra trường đã xin được việc làm ở công ty du lịch, mỗi người có một tâm sự riêng, nhưng chung nhất là họ cảm thấy đau đầu, căng thẳng vì không được tôn trọng.

Các cô gái trẻ ấm ức vì cầm bằng đỏ trên tay mà bị chị phó phòng sai đi phát tờ rơi tour du lịch nước ngoài. Cô gái kiểm tra lại kiến thức đã học, cho rằng người có khả năng đi du lịch nước ngoài có ai cầm tờ rơi ngoài đường về nghiên cứu chuyến đi.

Lại có cô bị sai đi đổ một bình hoa đã héo cũng cảm thấy ức chế, cho rằng bị "ma cũ” bắt nạt, sai vặt. Muốn làm việc lớn, việc quan trọng, muốn có cơ hội "thể hiện" với sếp là tâm lý chung của những người vừa tỉnh giấc mộng giảng đường!

Đối với nhiều người, một năm làm việc đầu tiên chẳng khác gì cực hình, họ chỉ biết nhẫn nhịn để thành "ma cũ”, thoát khỏi những điều mà họ cho là bị ăn hiếp khi tuổi trẻ tài cao nhưng không được giao việc lớn. Thậm chí trên mạng xã hội có hẳn những diễn đàn người trẻ lập ra chỉ để xả stress vì bị sếp bắt nạt lúc mới vào làm.

Tại Đà Nẵng có một doanh nhân trẻ ấp ủ giấc mơ giúp cho thế hệ sau một điều gì đó để tuổi trẻ không bị trôi qua vô ích trong buồn phiền vô nghĩa. Mỗi tuần doanh nhân này cà phê với các bạn sinh viên ngay tại quán nhà, lắng nghe những câu chuyện nửa trẻ con, nửa người lớn của các cử nhân để cùng tháo gỡ, phân tích tâm lý cho người trẻ.

"Hãy biến những điều tiêu cực thành tích cực để cuộc sống tốt hơn". Doanh nhân trẻ này bảo các bạn hãy khoan nói về những dự án đời người, mà hãy nói về cách làm cho mỗi ngày là một niềm vui tích cực, để năng lượng ấy đi vào công việc. Quả thật, hãy nhìn vào mặt tích cực nhất sẽ thấy rất dễ chịu.

Nhân viên mới từng bị sai dọn bình hoa úa nay đã vui vẻ dọn hoa, và câu nói kèm theo: "Hoa héo trong công ty không tốt cho phong thủy, để em dọn đi". Cả phòng nhìn thấy và nghe thấy, đều khen cô gái này hiểu biết. Khi được khen hiểu biết, cô ấy thấy vui hơn là được khen chăm chỉ hay ngoan ngoãn kiểu trẻ con.

Họ đã nhận thức được việc nhận phát tờ rơi là một cơ hội để vạch kế hoạch nho nhỏ sao cho thông tin đến đúng khách hàng, chứ không phải sếp đẩy họ ra ngã tư đứng phát tờ rơi như một lao động phổ thông.

Tìm và tiếp nhận khía cạnh tích cực nhất của mỗi công việc có lẽ là bí quyết thành công của những người sớm có nhận thức, thay vì kéo lê tuổi trẻ và bằng tốt nghiệp trong chán chường để một ngày thành "người cũ” quay ra bắt nạt "người mới" với trò tiểu nhân cũ như trả thù cuộc đời.

Tuy vậy cũng nghĩ ngợi, tại sao các trường đại học không có một vài tín chỉ đào tạo tâm lý và ứng xử cho những người chuẩn bị bước vào môi trường mới cạnh tranh khốc liệt?
Theo Doanh nhân Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm