Cứ 9 người dân nuôi 1 người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách

Bình quân 9 người dân Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách.

Ông Hoàng Chí Bảo cho rằng, không nền kinh tế nào gánh nổi bộ máy cồng kềnh như hiện nay
Ông Hoàng Chí Bảo cho rằng, không nền kinh tế nào gánh nổi bộ máy cồng kềnh như hiện nay

Bộ Nội vụ vừa tổ chức Hội thảo Chính phủ và Chính quyền địa phương nhằm lấy ý kiến để sửa luật Tổ chức Chính phủ và Luật Chính quyền địa phương, dự kiến sẽ được Bộ báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 30/8.

Đề cập đến bộ máy chính quyền địa phương, ông Phạm Duy Nghĩa, Đại học Fulbright Việt Nam dẫn số liệu của Bộ Nội vụ tính đến tháng 3/2018 cho thấy, nước ta có gần 137 nghìn khóm, xóm, tổ dân phố; 11.162 xã, phường; 713 đơn vị hành chính cấp huyện và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách ước tính là 11 triệu người, trong đó ở cấp khóm, xóm, tổ dân phố, xã, phường là 1,3 triệu người.

“Nếu số liệu đúng như vậy thì về đại thể, cứ bình quân 9 người dân Việt Nam phải nuôi 1 người làm việc, hưởng lương hoặc phụ cấp từ ngân sách. Nước ta nghèo và yếu, một phần cũng bởi hiện trạng này”, ông Nghĩa nói. Theo ông Nghĩa, tỷ lệ riêng công chức và viên chức trên dân số ước tính ở Việt Nam là 4,8% - là mức cao nhất so với các quốc gia châu Á. Về mặt hành chính, theo ông Nghĩa, đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là một sự bắt đầu phù hợp, với hy vọng sẽ lan dần tới cấp tỉnh.

Gợi ý hướng đổi mới để cải cách bộ máy này, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho rằng, tư tưởng cải cách là làm sao để càng lên trên càng ít việc, chứ không phải càng lên trên càng nhiều việc như hiện nay.

Cũng theo ông Liên, phải quy định có việc có người chính, người phụ và quy định rõ nguời chủ trì trách nhiệm đến đâu, người phối hợp chịu trách nhiệm tới đâu.

Cũng đề cập đến việc phân quyền cho địa phương, PGS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt vấn đề: “Cái gì đã giao cho địa phương rồi thì T.Ư không được can thiệp. Nếu có, tôi có thể khởi kiện ra tòa án. Mình có dám đi đến cùng thế không?”. Ông Thái cho rằng, nếu không đi đến cùng như vậy thì làm gì cũng phải xin ý kiến bên trên, đẩy việc lên.

Có quan điểm khác, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, VPCP lại cho rằng, quản lý bộ máy, tổ chức và biên chế công chức mà phân cấp phân quyền về địa phương thì không ổn. “Trăm hoa đua nở, không cẩn thận phân cấp thành buông, mà buông về tổ chức bộ máy thì không ổn”, ông cảnh báo.

Ông Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực cho rằng, chúng ta đang đứng trước một bài toán vô cùng nan giải về cải cách, vì phình bộ máy và tăng biên chế là căn bệnh trầm kha của Nhà nước ta. Ông Bảo nhắc lại quan điểm kiên quyết để các hội, hiệp hội nghề nghiệp ra khỏi hệ thống chính trị. “Tôi không tán thành chuyện Liên hiệp Hội KH-KT, Liên hiệp Văn học nghệ thuật nằm trong hệ thống chính trị, cái gì cũng là chính trị thì chính trị sẽ trở nên tầm thường”, ông nói.

Theo Báo Giao thông