Cứ 2 người đi làm thì 1 người không hạnh phúc tại nơi làm việc
(Dân trí) - 74% người lao động được khảo sát cho rằng thu nhập hiện tại không đủ để chi trả các nhu cầu thiết yếu, chỉ 45% nhân viên cảm thấy hạnh phúc khi đi làm.
Nỗi lo về tài chính
Theo báo cáo "biến số X", Anphabe khái quát 42% doanh nghiệp được khảo sát đã quay lại quỹ đạo tăng trưởng 3-10% và 15% đạt mức siêu tăng trưởng hai con số, phản ánh triển vọng tích cực của thị trường.
Bài báo cáo thực hiện khảo sát hơn 700 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành trên toàn quốc và 253 CEO, giám đốc nhân sự từ tháng 4 đến tháng 9.
Sau giai đoạn sa thải hàng loạt năm 2023, năm nay có sự chuyển biến tích cực hơn với 33% doanh nghiệp dự kiến mở rộng nhân sự, tăng vượt trội so với 19% của năm trước. Bên cạnh đó, chỉ 9% doanh nghiệp dự kiến thu hẹp nguồn nhân lực, giảm đáng kể so với 14% cuối năm 2023.
Theo Anphabe, kinh tế khởi sắc, doanh nghiệp không chỉ ổn định hoạt động mà còn cải thiện chính sách phúc lợi, đặc biệt là lương thưởng. Nếu năm 2023, chỉ khoảng 50% người lao động được tăng lương thì năm 2024, con số này đã đạt 59%.
Báo cáo cũng cho thấy, dù kinh tế đang tăng trưởng, cảm nhận của người lao động lại chưa đồng điệu.
Tính đến quý III, chỉ 49% người lao động cảm thấy hạnh phúc tại nơi làm việc, Đồng nghĩa cứ 2 người đi làm thì 1 người không hạnh phúc.
Cũng theo khảo sát, tài chính đang là nỗi lo hàng đầu của nhóm nhân viên, đe dọa trực tiếp đến tính ổn định trong công việc. Chỉ 1 trong 3 nhân viên hiện nay có sức khỏe tài chính tích cực, trong khi 74% cho rằng thu nhập hiện tại không đủ để chi trả các nhu cầu thiết yếu và 65% cảm thấy chưa được trả lương công bằng, không an tâm về thu nhập tương lai.
Những áp lực này tới từ một số yếu tố như mức lương, thưởng và phúc lợi thấp hơn so với các nhóm nhân sự khác; độ tuổi trẻ, ít tích lũy nhưng gánh nặng tài chính lớn như nhà cửa, gia đình…
Doanh nghiệp cần làm gì
Để vượt qua áp lực tài chính, nhiều nhân viên buộc phải tìm kiếm thêm nguồn thu nhập. 65% nhân viên có nhiều hơn một nguồn thu nhập ngoài lương, trong đó 15% từ nguồn thu nhập thụ động như tiết kiệm hoặc trợ cấp gia đình, 50% từ nguồn chủ động như làm thêm hoặc tự kinh doanh.
Đáng lưu ý, có một thực trạng đáng lo ngại là nhóm nhân viên có sức khỏe tài chính thấp có xu hướng nhảy việc cao gấp 4 lần so với nhóm nhân viên có tài chính tốt.
Dưới áp lực này, chỉ 45% nhân viên cảm thấy hạnh phúc khi đi làm, nhưng ngay cả khi nhân viên cảm thấy hạnh phúc khi đi làm, khi nhận được mức lương cao hơn, phần lớn họ vẫn sẵn sàng rời bỏ công việc hiện tại.
Để giữ chân và nâng cao trải nghiệm nhân viên, doanh nghiệp cần hiểu rõ nhu cầu tài chính của họ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường các gói bảo hiểm sức khỏe, khám tầm soát bệnh, bảo hiểm nhân thọ, quỹ hỗ trợ tài chính khẩn cấp hoặc quỹ hưu trí cho nhân viên.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động cần mở rộng bảo hiểm cho cả gia đình, cấp học bổng cho con, hỗ trợ tài chính với các khoản vay ưu đãi như mua nhà, xe.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu triển khai đào tạo năng lực quản lý tài chính cho nhân viên từ Quản lý tài chính - tiết kiệm - đầu tư - quản lý nợ - kế hoạch hưu trí.
Trong bối cảnh tài chính ngày càng căng thẳng, việc đầu tư vào phúc lợi thiết thực không chỉ giúp cải thiện đời sống nhân viên mà còn tạo động lực để họ gắn bó và cống hiến bền lâu.