1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Cty XKLĐ được đánh giá tốt, nhiều người lao động sẽ lựa chọn đăng ký”

“Năm đầu có 27 doanh nghiệp tham gia Bộ quy tắc ứng xử dành cho doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Đến nay đã có 66 doanh nghiệp tham gia. Việc doanh nghiệp được đánh giá theo tiêu chí của Bộ quy tắc sẽ giúp người lao động có lựa chọn chính xác hơn khi tham gia XKLĐ”.

“Cty XKLĐ được đánh giá tốt, nhiều người lao động sẽ lựa chọn đăng ký” - 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi với báo giới tại Hội nghị đánh giá năm thứ 3 thực hiện việc vận dụng các nguyên tắc của Bộ quy tắc ứng xử theo “Quy trình tư vấn và tuyển chọn người lao động đi làm việc ở nước ngoài” cho các doanh nghiệp XKLĐ. Chương trình do Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Hiệp hội XKLĐ VN (VAMAS) tổ chức sáng 18/12 tại Hà Nội.

Trước đó, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp XKLĐ, VAMAS đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài từ năm 2010.

Bộ quy tắc được coi là công cụ, quy định về chuẩn nghề nghiệp, chuẩn đạo đức nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, đồng thời giúp bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động.

Sau 3 năm triển khai, Bộ quy tắc đã thu hút sự tham gia của 66 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ. Đây là bước chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

 

“Cty XKLĐ được đánh giá tốt, nhiều người lao động sẽ lựa chọn đăng ký” - 2

Theo Hiệp hội XKLĐ VN, cả nước có khoảng 500 nghìn lao động đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài với mục đích có thời hạn hầu hết là di cư có tổ chức và 85% đến 95% trong số đó thông qua hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp.

Nhờ thực hiện tốt các quy tắc của Bộ quy tắc ứng xử, nhiều doanh nghiệp XKLĐ đã được đối tác tin tưởng đầu tư thiết bị giảng dạy và đào tạo, giúp lao động vững tay nghề khi ra nước ngoài làm việc, giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

Nhiều doanh nghiệp XKLĐ không chỉ trang bị tốt kiến thức, kỹ năng cho lao động trước khi xuất cảnh mà còn giảm chi phí cho lao động và quản lý tốt lao động ở nước ngoài cũng như có hỗ trợ lao động khi về nước.

“Các doanh nghiệp tham gia giám sát, đánh giá đã có những chuyển biến tích cực trong việc hoàn thiện hơn các quy chế hoạt động hướng theo chuẩn mực của Bộ quy tắc ứng xử. Đã xuất hiện một số thực tiễn tốt nhằm giảm chi phí cho lao động di cư, chuẩn bị tốt về kiến thức và kỹ năng cho người lao động trước khi xuất cảnh, quản lý lao động khi ở nước ngoài và hỗ trợ lao động về nước” - ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch VAMAS nhận định.

Ông Nguyễn Lương Trào cũng cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng đã mất khá nhiều điểm đánh giá do người lao động phàn nàn về các mức phí cao. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có chương trình phối hợp với VAMAS, bởi số lượng doanh nghiệp thì ngày một đông, trong khi công tác thanh tra, kiểm tra thì không thể đi hết các doanh nghiệp được.

Bảng xếp hạng mới nhất các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài cho thấy bộ Quy tắc ứng xử áp dụng cho các doanh nghiệp này đã giúp nâng cao chuẩn mực trong ngành. Theo bảng xếp hạng, gần 1/3 doanh nghiệp đạt 5 sao trên tổng số 6 sao, không có doanh nghiệp nào được xếp hạng tối đa.

TIN LIÊN QUAN:

Từ 1/1/2016: Người lao động VN được giảm thêm 2 giờ làm việc/tuần tại Đài Loan

Theo Luật Lao động cơ bản của Đài Loan (Trung Quốc), sẽ có hiệu lực từ 1/1/2016. Quy định sẽ tác động tới người lao động bản địa và khoảng 155.000 lao động VN đang làm việc theo hợp đồng tại đây.

Cụ thể, Luật Lao động cơ bản quy định, kể từ ngày 1/1/2016, giờ làm việc của người lao động làm việc tại Đài Loan là 40 giờ/tuần. So với quy định cũ, người lao động sẽ được giảm 2 giờ làm việc/tuần. Các quy định khác về tổng thời gian làm việc bình thường, làm thêm giờ vẫn như trước đây: Không quá 12 giờ/ngày và tổng thời gian làm thêm giờ không quá 46 giờ/tháng. Đài Loan đang tiếp nhận khoảng 375.000 lao động nước ngoài đang làm việc. Đây là những đối tượng thuộc diện điều chỉnh giờ làm việc trên, trong đó có 155.000 lao động VN. Để cập nhật thông tin này, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã ban hành mẫu hợp đồng lao động sửa đổi dành cho lao động đi làm việc tại Đài Loan. Trong đó đã đưa quy định mới về thời giờ làm việc mới sẽ thực hiện từ 01/01/2016 vào mẫu hợp đồng lao động. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Đài Loan là thị trường tạo ra nhiều việc làm cho lao động VN có nhu cầu đi XKLĐ. Tuy nhiên, tình trạng bỏ trốn của lao động VN gần đây cũng đáng lo ngại.

V.K

Hoàng Mạnh