1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Covid-19 làm giảm 14 % số giờ làm việc trong quý 2/2020

(Dân trí) - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo tổn thất về số giờ làm việc trên toàn thế giới trong nửa đầu năm 2020 tồi tệ hơn nhiều so với dự báo.

Covid-19 làm giảm 14 % số giờ làm việc trong quý 2/2020 - 1

Covid-19 làm nhiều lao động tự do tại Việt Nam mất việc, giảm giờ làm.

Giảm số giờ làm việc

Thống kê của ILO cho thấy, tổng số giờ làm việc toàn cầu đã giảm 14% trong quý 2/2020, tương đương với 400 triệu lao động toàn thời gian, trong điều kiện giả định lao động làm việc 48 giờ/tuần,

Đây là mức giảm sâu hơn nhiều so với con số dự báo 10,7%, tương đương với 305 triệu lao động toàn thời gian, đưa ra trong Báo cáo nhanh công bố hôm 27/5.

Trong khi đó, khả năng phục hồi trong 6 tháng cuối năm hầu như không chắc chắn, không đủ để đưa nền sản xuất của các nước quay lại mức trước đại dịch, ngay cả với kịch bản tích cực nhất.

Những số liệu mới cho thấy, trong những tuần qua, tình hình đang diễn biến xấu đi ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở những nền kinh tế đang phát triển. 

Xét theo khu vực, tổn thất về số giờ làm việc trong quý 2/2020 thống kê được là: châu Mỹ (18,3%), châu Âu và Trung Á (13,9%), châu Á và Thái Bình Dương (13,5%), các quốc gia Ả-rập (13,2%) và châu Phi (12,1%).

Đại đa số người lao động trên thế giới (93%) vẫn đang sống ở những quốc gia hiện vẫn áp dụng biện pháp nào đó liên quan đến đóng cửa nơi làm việc.

Trong đó các nước châu Mỹ hiện đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất. 

Ba kịch bản cho 6 tháng cuối năm 2020

Báo cáo nhanh của ILO phác thảo 3 kịch bản cho công cuộc phục hồi trong nửa cuối năm 2020: Kịch bản cơ bản, tiêu cực và lạc quan. Báo cáo nhấn mạnh kết quả trong dài hạn sẽ phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch và lựa chọn chính sách của chính phủ.

Mô hình phục hồi cơ bản dự báo tổn thất về giờ làm việc giảm 4,9% (tương đương với 140 triệu lao động toàn thời gian) so với Quý 4/2019. 

Mô hình này áp dụng với giả định công cuộc khôi phục các hoạt động kinh tế được thực hiện theo dự báo, các biện pháp hạn chế đối với nơi làm việc được dỡ bỏ và tiêu dùng và đầu tư được khôi phục.

Covid-19 làm giảm 14 % số giờ làm việc trong quý 2/2020 - 2

Lao động mất việc do Covid-19 tại Việt Nam nhận hỗ trợ của Chính phủ.

Kịch bản tiêu cực giả định làn sóng dịch thứ hai bùng phát và các biện pháp khống chế dịch bệnh được thiết lập lại, khiến công cuộc phục hồi chậm lại đáng kể.

Hệ quả của nó là số giờ làm việc sẽ giảm 11,9% (tương đương với 340 triệu lao động toàn thời gian) so với Quý 4/2019.

Kịch bản lạc quan giả định việc làm của người lao động được nhanh chóng khôi phục lại, thúc đẩy đáng kể tổng cầu và tạo việc làm.

Với sự phục hồi đặc biệt nhanh này, mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu sẽ chỉ còn giảm 1,2% (tương đương với 34 triệu lao động toàn thời gian) so với Quý 4/2019.

Lao động nữ chịu thiệt thòi

Báo cáo cũng chỉ ra rằng lao động nữ bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch. Điều này có nguy cơ hủy hoại một số tiến bộ khiêm tốn về bình đẳng giới đã đạt được trong những thập kỷ gần đây và làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới liên quan đến lao động.

Theo ILO, Gần 510 triệu, tức 40% số lao động nữ toàn cầu, hiện đang làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi đó chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các ngành nêu trên. 

Đại dịch Covid-19 gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ là do lao động nữ chiếm số đông trong một số lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng, như lĩnh vực lưu trú, ăn uống, bán hàng và sản xuất.

Phụ nữ cũng chiếm số đông trong công việc giúp việc gia đình và trong lĩnh vực y tế và công tác xã hội. Do đó họ phải đối diện với nguy cơ cao hơn bị mất thu nhập hay lây nhiễm bệnh và ít có khả năng được hưởng bảo trợ xã hội.

Sự phân công công việc chăm sóc không được trả lương không đồng đều vốn đã tồn tại từ trước đại dịch đã trở nên tồi tệ hơn trong khủng hoảng và càng trầm trọng hơn khi trường học và các dịch vụ chăm sóc bị đóng cửa.

Cùng hợp tác để phục hồi nhiều việc làm

Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO: “Tuần tới ILO sẽ triệu tập Hội nghị Cấp cao Toàn cầu về Covid-19 và Thế giới việc làm bằng hình thức trực tuyến. Tôi hy vọng các chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động sẽ tận dụng cơ hội này để trao đổi những bài học kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch cụ để phục hồi, chú trọng tạo nhiều việc làm…”. 

Hoa Trần - Hoàng Mạnh