Covid-19: Doanh nghiệp cực chẳng đã mới cắt giảm, cho làm luân phiên
(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến hơn 75% doanh nghiệp thu hẹp quy mô lao động, gần 10% phải giảm một nửa số lao động. Doanh nghiệp đang cần tháo gỡ về chính sách để duy trì hoạt động, việc làm cho người lao động.
Đây là chia sẻ từ Hội nghị bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19. Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 29/6 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, ông Đỗ Anh Tuấn - Trưởng Phòng Tổ chức Tổng Công ty Du lịch Hà Nội, cho biết: Tác động của Covid-19 đối với Tổng Công ty hết sức nặng nề. Kết quả sản xuất kinh doanh tổng doanh thu quý 1 và quý 2 chỉ đạt 9% kế hoạch năm. Dự kiến tiếp tục giảm sút mạnh trong thời gian tới.
Doanh thu giảm khiến nhiều doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty buộc phải tính tới bài toán cân đối nhân sự. Ông Đỗ Anh Tuấn đơn cử, trước đây, một khách sạn 5 sao tại Hà Nội đạt doanh thu 3 tỷ đồng/ngày thì hiện chỉ còn 20-30 triệu đồng/ngày.
Theo bà Nguyễn Hoài Thu - Phó Giám đốc Chi nhánh Hà Nội (Cty TNHH Một thành viên dịch vụ lữ hành Saigontourist Hà Nội), mảng đưa khách Việt Nam đi du lịch quốc tế và đón khách quốc tế vào Việt Nam chiếm doanh thu cao thì chưa khởi động lại.
Do đó, đơn vị đang luân chuyển đưa lao động mảng quốc tế chuyển sang làm nội địa. Thời gian qua, người lao động nghỉ luôn phiên và dùng quỹ dự phòng để hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, quỹ dự phòng này cũng có hạn và đơn vị sẽ phải cơ cấu lại khoản hỗ trợ cho lao động.
Bà Nguyễn Hoài Thu đề xuất cho phép doanh nghiệp được giãn đóng BHXH đến hết tháng 12/2020.
Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến tháng 6/2020, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. Trong đó, số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập chiếm tỷ trọng lớn nhất với 57,3% tổng số người bị ảnh hưởng; 7,8 triệu lao động bị mất việc làm hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc…
Cùng đề xuất giãn đóng BHXH tới cuối năm 2020, ông Nguyễn Bùi Lâm - Phó Trưởng Ban Dân sự, Vietnam Airlines tại cuộc họp, cho biết: Tác động của Covid-19 khiến lực lượng lao động trực tiếp đi làm lại khoảng 60% và lao động gián tiếp đi làm lại khoảng 30%. Vietnam Airlines đang tính toán để duy trì chế độ làm việc luôn phiên nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Nhằm tạo sự linh hoạt, ông Nguyễn Bùi Lâm cũng đề xuất chuyển việc đóng BHXH của các lao động tạm ngừng hợp đồng lao động sang hình thức tham gia BHXH tự nguyện.
Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty Dệt may Hà Nội tại Hội nghị cho biết cần có điều chỉnh lại những điều kiện từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đề doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn.
Đơn cử như, điều kiện để lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hưởng hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng hiện đề ra khá ngặt nghèo như phải có trên 50% lao động ngừng việc; doanh nghiệp không có doanh thu thì đã phá sản; yêu cầu doanh nghiệp trả trước 50% tiền lương...
Cũng liên quan tới nội dung trên, ông Trần Mạnh Cường, Phó Phòng Tổ chức hành chính, Tổng Cty may 10, cho biết các điều kiện tiếp cận vay vốn để trả lương cho người lao động rất chặt chẽ và doanh nghiệp khó đáp ứng được.
“Cần điều chỉnh theo hướng nới lỏng các điều kiện hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng” - ông Trần Mạnh Cường cho biết.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN, cho biết, dù rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong Hiệp hội nỗ lực duy trì việc làm cho người lao động, thậm chí luân phiên cho lao động làm việc để đảm bảo chuỗi cung ứng.
Đồng thời, đại diện Hiệp hội cũng kiến nghị việc xem xét dừng đóng BHXH và phí công đoàn trong thời gian khó khăn.
Sẽ có những điều chỉnh hợp lý
Cũng tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh lắng nghe và ghi nhận các khó khăn và đề xuất của các doanh nghiệp. Thứ trưởng khẳng định: “Những kiến nghị hợp lý sẽ được lãnh đạo Bộ tổng hợp và báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào đầu tháng 7 nhằm tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.
Thứ trưởng cũng cho biết, việc hỗ trợ cho lao động tại doanh nghiệp trong thời gian qua còn chậm, số người hưởng rất ít do vướng mắc nhiều điều kiện để vay vốn trả lương, hỗ trợ lao động tạm ngừng hợp đồng. Do đó, từ kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ cũng đã kiến nghị “nới” các điều kiện hỗ trợ cho người lao động tại doanh nghiệp gặp khó khăn.
Hoàng Mạnh