1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công ty nợ BHXH, làm thế nào để chốt sổ?

Bà Kim Thị Thu Hương (TPHCM) đóng BHXH tại công ty được 3 tháng thì nghỉ việc. Nhưng công ty mới đóng BHXH cho bà được 2 tháng nên bà chưa được chốt sổ BHXH và công ty vẫn chưa trả lại sổ BHXH.

Phần bảo hiểm do nhân viên đóng bà Hương đã đóng đầy đủ từ tiền lương của mình, nhưng công ty không đóng cho cơ quan BHXH. Bà Hương đã đi làm ở công ty khác và tham gia BHXH đầy đủ. Bà Hương hỏi, bà phải làm thế nào để công ty cũ chốt sổ BHXH cho bà?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Điều 17, Khoản 2  Điều 18; Khoản 2, Khoản 5 Điều 21 Luật BHXH năm 2014; Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, hành vi trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH là vi phạm pháp luật; quyền của người lao động được cấp và quản lý sổ BHXH; người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH và hàng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định pháp luật để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH; người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Đối chiếu quy định nêu trên, hàng tháng công ty vẫn trích tiền lương phần thuộc trách nhiệm đóng BHXH bắt buộc của người lao động, nhưng không đóng vào Quỹ BHXH và không trả sổ BHXH cho bà là vi phạm quy định của pháp luật về BHXH.

Đề nghị bà phản ánh, kiến nghị hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH của công ty với công đoàn công ty hoặc cơ quan BHXH hoặc cơ quan quản lý Nhà nước về lao động nơi công ty hoạt động để yêu cầu công ty khắc phục hậu quả (đóng đủ số tiền nợ, chậm đóng BHXH và nộp hồ sơ đề nghị xác nhận thời gian đóng BHXH) để bảo vệ quyền lợi về BHXH cho bà theo đúng quy định của pháp luật.