1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Công ty gây tranh cãi vì bán bảo hiểm "không may chết vì làm việc quá sức"

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Văn hóa làm việc "996" đang ngày càng trở thành thực trạng đáng lo ngại ở Trung Quốc. Trước bối cảnh đó, một công ty bảo hiểm đã gây tranh cãi khi bán gói "đề phòng tử vong khi làm việc quá sức".

Mới đây, dư luận tại Trung Quốc tranh cãi về gói "bảo hiểm làm thêm giờ 996" của một công ty bảo hiểm hàng đầu nước này. "996" là văn hóa của những nhân viên thường làm việc từ 9h đến 21h, từ thứ 2 tới thứ 7.

Công ty gây tranh cãi vì bán bảo hiểm không may chết vì làm việc quá sức - 1

Nhân viên văn phòng ngày càng kiệt sức với văn hóa làm việc "996" (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Vì thế, khi công ty phát hành gói "bảo hiểm làm thêm giờ 996", kèm theo khẩu hiệu: "Không sợ làm thêm giờ. Hãy mua bảo hiểm thức khuya để cổ vũ cho ước mơ của bạn", nhiều người cho rằng công ty này đang thúc đẩy văn hóa làm thêm giờ của nhân viên văn phòng.

"Sản phẩm bảo hiểm này sẽ làm tăng sự cạnh tranh tại nơi làm việc. Nhân viên không phải là công cụ kiếm tiền. Người sử dụng lao động nên tập trung vào việc cải thiện môi trường làm việc và tăng lương cho người lao động, thay vì chuyển rủi ro cho công ty bảo hiểm", một tài khoản mạng xã hội bình luận.

Gói quảng cáo này được bán với giá thấp nhất là 18 NDT/năm (tương đương với 63.000 đồng), để nhận quyền lợi bảo hiểm lên đến 600.000 NDT (hơn 2,1 tỷ đồng) cho các tình huống như tử vong đột ngột hay tai nạn khi làm việc.

Tại Trung Quốc, văn hóa làm việc "996" được xem là một yếu tố quan trọng và rất phổ biến trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt đối với các công ty mới khởi nghiệp đang chạy đua để mở rộng quy mô trên thị trường.

Trong khi các ông lớn công nghệ tại quốc gia này như Alibaba, JD.com, Pinduoduo, ByteDance... đồng loạt đề cao lối làm việc "996", nhân viên của họ lại không nghĩ như vậy. Người lao động cho rằng văn hóa "996" thể hiện tình trạng bóc lột sức lao động quá mức, thậm chí dẫn đến bức tử nhân viên.

Mặc dù năm 2021, Tòa án Tối cao và Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc đã nêu rõ hình thức làm thêm giờ như "996" là bất hợp pháp. Tuy nhiên, văn hóa này vẫn trở nên phổ biến.

Đầu tháng 11, dư luận Trung Quốc vừa xôn xao câu chuyện về một người đàn ông 39 tuổi làm việc tại môi trường áp lực cao, đã qua đời vì bị bệnh tim. Đáng chú ý, hồ sơ chấm công của người này cho thấy anh đã tăng ca 41 giờ liên tục trong 8 ngày trước khi qua đời.

Theo www.scmp.com