Công nhân vật vã di chuyển 10 giờ trên đường về thủ đô
(Dân trí) - Mùng 7 Tết nhà máy mới bắt đầu trở lại làm việc. Song chị Oanh đã di chuyển từ Hà Tĩnh ra Hà Nội sớm hơn 2 ngày để có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho ngày làm việc đầu năm.
Nghỉ ngơi trong phòng trọ
Ngày 3/2, gia đình chị Trần Thị Oanh - công nhân của một công ty điện tử trong Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) - thức giấc thật muộn sau một ngày dài đằng đẵng di chuyển từ quê nhà Hà Tĩnh ra thủ đô.
Hôm nay, gia đình chị dành trọn vẹn 1 ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để nghỉ ngơi, chuẩn bị sức khỏe, tinh thần tốt nhất cho ngày làm việc đầu năm mới - mùng 7 Tết (ngày 4/2).
Để mong ngày đi làm đầu năm thuận lợi, từ sáng mùng 5 Tết, chị đã gói ghém đồ đạc để trở lại thủ đô.
Làm việc ở Hà Nội 10 năm, hành trình trở về quê hương hàng trăm km của gia đình chị chưa bao giờ dễ dàng. Xe khách lăn bánh lúc 9h ngày 2/2, nhưng đến 19h gia đình chị mới có thể đặt chân tới phòng trọ ở Kim Chung (Đông Anh).
Quãng đường xa, tắc đường kéo dài, khiến cả gia đình chị đều mệt nhoài. Mọi người ai cũng mệt lả, chỉ kịp ăn nhẹ ít đồ ăn mang theo.
Chị Oanh quyết định dành cả ngày mùng 6 Tết nghỉ ngơi trong phòng trọ. Gia đình chị chỉ thăm hỏi một số người trong xóm trọ, không ra ngoài vui chơi.
Trong năm mới, chị mong công ty có nhiều đơn hàng, để tạo đủ việc làm cho công nhân, ổn định thu nhập, cuộc sống.
Lưu luyến trước khi đi
Cũng như chị Oanh, công ty của chị Nguyễn Thị Ánh cũng bắt đầu làm việc vào ngày mai. Song 4h ngày 2/2, chồng chị đã chở chị ra điểm đón của chuyến xe công đoàn miễn phí.
Quê ở Hà Tĩnh, một năm chị chỉ có thể trở về nhà vào dịp Tết Nguyên đán. Với kỳ nghỉ dài nhất này, nữ công nhân có thời gian quây quần bên gia đình, chăm sóc con cái và thăm hỏi họ hàng.
Vì vậy, trước khi trở lại thủ đô, trong lòng chị thật rối bời. "Lưu luyến không muốn rời đi là tâm trạng có thật. Cả năm làm việc xa nhà, đây là thời gian dài nhất tôi được gần gũi các con, gia đình", chị Ánh nghẹn ngào.
Chồng chị làm việc ở quê nhà nhằm tiện bề chăm sóc các con. Để có đồng lương tốt hơn, buộc chị phải tha hương, tìm đến Khu công nghiệp Thăng Long làm việc. Thấm thoắt cũng được 17 năm gắn bó với một công ty điện tử trong khu công nghiệp.
Trước khi trở về thủ đô, chị đã dặn dò kỹ lưỡng các con về chuyện học hành. Mang thêm bánh chưng, chút quà, vài bộ quần áo, nữ công nhân bịn rịn chia tay gia đình. Trong chuyến xe vượt hàng trăm km, chị chợt ngẫm nghĩ về quãng thời gian mưu sinh tại thủ đô.
May thay, công ty có nhiều đơn hàng trong năm qua. Nữ công nhân đi làm đều đặn và được tăng ca. Vì vậy, tổng thu nhập hằng tháng của chị có thể lên đến 13-14 triệu đồng. Chị vẫn cố gắng chắt chiu, gửi tiền về quê mỗi tháng nuôi con.
Chị dự định tiếp tục gắn bó với công việc đến khi kinh tế gia đình ổn định hơn sẽ trở về quê tìm việc, sum họp gia đình.
Trong một năm mới, chị mong mỏi có thêm sức khỏe để tiếp tục làm việc nhằm cuộc sống gia đình "dễ thở" hơn.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự báo sau Tết, thị trường lao động cũng sẽ gặp một số biến động như một số lực lượng lao động có thể không quay lại (chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở).
Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý 1/2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Do đó, các doanh nghiệp thường chủ động có chính sách "giữ chân" nhân viên, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu việc biến động lao động sau Tết.
Để đảm bảo lao động sau Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh cơ quan Nhà nước về việc làm cần tập trung vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động - việc làm trên địa bàn.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung - cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương.