Công nhân thi nhau bỏ việc, ngành đường sắt vội đề nghị tăng lương

Trong thời gian qua, hơn 500 công nhân viên đường sắt đã bỏ việc chỉ vì mức lương quá thấp trong khi công việc thủ công, nặng nhọc, đòi hỏi trách nhiệm cao và có yếu tố nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động.

Công nhân gác chắn đường sắt có mức lương thấp trong khi áp lực công việc cao. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Công nhân gác chắn đường sắt có mức lương thấp trong khi áp lực công việc cao. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Lo ngại thực trạng này, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh tăng tiền lương của công nhân khối quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2018.

Lương gác chắn tàu trung bình 4 triệu đồng

Theo báo cáo của VNR, trong những năm vừa qua, nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia rất hạn chế nên chỉ giải quyết được vấn đề an toàn chạy tàu, đáp ứng một phần yêu cầu của vận tải đường sắt và giữ trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt.

“Cũng do nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cấp có hạn nên chi phí nhân công trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt cũng phải chiết giảm theo, không đáp ứng đủ yêu cầu, chế độ tiền lương, đơn giá ngày công theo quy định được hưởng đối với người lao động,” lãnh đạo VNR thừa nhận.

Trong khi đó, khối lượng các hạng mục công việc duy tu bảo dưỡng đảm bảo an toàn chạy tàu không giảm, thậm chí tính chất phức tạp, nặng nhọc, nguy hiểm ngày càng tăng do chất lượng hạ tầng đường sắt xuống cấp và mật độ phương tiện giao thông đường bộ, đường ngang giao cắt đường sắt gia tăng liên tục.

Chưa kể, người lao động phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm với khối lượng lớn, cường độ cao nhưng thu nhập thấp, chưa được trả đúng, trả đủ chế độ quy định và chưa tương xứng công sức lao động bỏ ra đã tạo nên một “làn sóng” nghỉ việc, đặc biệt là bộ phận tuần đường, gác chắn đường ngang tại các thành phố lớn, đe dọa trực tiếp đến sự vận hành bình thường và an toàn giao thông đường sắt.

Cụ thể, lương bình quân của công nhân gác đường ngang nếu tính theo chế độ quy định là 7,4 triệu đồng nhưng tỷ lệ lương được duyệt thực lĩnh chỉ rơi vào 5,2 triệu đồng (đạt 70%); công nhân tuần đường là 6 triệu đồng và công nhân duy tu đường sắt là 6,7 triệu đồng trong khi 2 đối tượng này được hưởng lương theo chế độ quy định lên tới 8,3 triệu đồng.

Theo thống kê 9 tháng của năm 2017, số lao động xin thôi việc trong khối quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt là 508 người, kinh phí chi trả là 9,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, lãnh đạo VNR thừa nhận việc tuyển dụng lao động mới rất khó khăn vì công việc thủ công, nặng nhọc, đòi hỏi trách nhiệm cao và có yếu tố nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động trong quá trình thực thi nhiệm vụ, nhưng thu nhập thấp hơn so với các doanh nghiệp, ngành nghề khác tại địa phương.

Là đơn vị quản lý tới 18 điểm giao cắt đường ngang đồng mức có gác từ Km2+925 (trạm gác chắn Trường Chinh-Ngã Tư Vọng)-Km11+325 (trạm gác chắn Ngọc Hồi), ông Nguyễn Đào Việt Phương, Đội trưởng Đội gác chắn đường ngang Giáp Bát cho biết, mỗi 1 ca trực tại gác chắn Trường Chinh-Ngã Tư Vọng có 3 công nhân viên lao động, làm 12 tiếng và nghỉ 24 tiếng. Tổng thu nhập bình quân là 4,6 triệu đồng/tháng, nếu trừ tiền phí đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đoàn thể công đoàn… thì chỉ còn 4 triệu đồng với điều kiện làm đủ 21 ca trong tháng.

Theo ông Phương, từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 10 công nhân viên gác chắn chấm dứt hợp đồng lao động trong đó đa phần là người trẻ, có thời gian làm ngắn (từ 2-7 năm) với nguyên nhân là áp lực công việc cao, lương thấp.

Điều chỉnh tăng lương

Ông Phương cũng cho rằng, phía Tổng công ty Đường sắt trả đơn giá tiền lương không hợp lý bởi trước đây chế độ 3 ban trực nhưng sau đó do tinh giản biên chế nên chỉ còn 2,5 ban trong khi áp lực công việc rất cao, lương không tăng.

Hơn nữa, theo Thông tư 21 của Bộ Giao thông Vận tải, một tháng có 13 ban trực nhưng thực tế tại trạm gác chắn đường ngang Trường Chinh-Ngã Tư Vọng lên tới 21 ban. Chính điều này dẫn đến việc, công nhân làm việc quá căng sức.

Từ thực tế trên, VNR đề xuất và kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, ưu tiên tính đúng, tính đủ các quy định của Nhà nước về giờ làm việc, giờ nghỉ ngơi và chế độ tiền lương với lực lượng lao động gác chắn đường ngang, tuần đường có tính chất đặc biệt này.

Theo đó, đối với công nhân gác chắn đường ngang tiền lương được tính trên cơ sở số lao động định mức cần thiết nhân với mức lương bình quân chế độ. Và mức lương được đưa ra là 7,95 triệu đồng/người.

“Số điểm gác đường ngang do ngân sách chi trả là 616 điểm cho 3.068 người nếu tính theo mức lương đề xuất thì năm 2018 sẽ tăng thêm 104,7 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 2,84 triệu đồng/người/tháng (tổng tiền lương gác chắn năm 2017 là 188 tỷ đồng),” lãnh đạo VNR tính toán.

Đối với công nhân tuần đường, tiền lương được tính trên cơ sở định mức lao động ngày công theo sản phẩm km đường duy tu nhân với đơn giá tiền lương ngày công của công nhân tuần đường.

Vì thế, đơn giá tiền lương ngày công bình quân (chưa kể phụ cấp, làm đêm, chế độ khác) của công nhân tuần đường là 342.505 đồng/công, tiền lương kế hoạch năm 2018 cho công tác tuần đường (chưa có phần tiền lương trả thêm làm việc vào ban đêm) là 165,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, VNR Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan quan tâm bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2018 trong đó ưu tiên bố trí chi phí nhân công ít nhất cũng đảm bảo ở mức tối thiểu cần thiết với tổng chi phí nhân công trực tiếp sản xuất là 1.106 tỷ đồng trong tổng số nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cấp cả năm là 3.698 tỷ đồng.

Theo Vietnamplus.vn

https://www.vietnamplus.vn/cong-nhan-thi-nhau-bo-viec-nganh-duong-sat-voi-de-nghi-tang-luong/474706.vnp